Con về dưới bóng mẹ xưa…
Thảo du ca (NXB Hội Nhà văn, 2022) là tập thơ vừa ra mắt bạn đọc của nhà giáo Lê Từ Hiển. Xuyên suốt tập thơ là hình ảnh về mẹ, khúc xạ vào thế giới ấu thơ lần tìm những thân thương gia đình, những hy sinh lắng lo và bao chăm chút hiền từ của mẹ để hàm ơn, hối lỗi, đối thoại lòng mình…
Đôi khi, mẹ là nơi để nhân vật trữ tình giãi bày những ngổn ngang, ngẫm ngợi. Mẹ hiện diện trong những đối thoại để con thấy sai/đúng, để con soi vào bóng mình tĩnh lặng mà nhìn lại đời con trong khôn cùng. Cái cơ hồ thoáng chợp như mộng, khiến cho hình ảnh mẹ hiện hữu theo một cách riêng, không ngăn nắp lần chuỗi trước sau mà òa ập, chảy tràn tựa như những thước phim đang chạy trong một giấc mơ. Đã có những đứt gãy, ngắt mạch, chuyển đoạn tạo cảm giác rời rạc, nhưng có lẽ, những ảnh hình về mẹ, những câu thơ mộc mạc trong vô vàn hình ảnh đang bị xới tung kia, đã kịp giữ người đọc lại mà man mác, trôi theo trong miền mơ tưởng.
Ở chừng mực nào đó, tôi thích những câu thơ như thế này của tác giả: “Mẹ lặng lẽ theo ba/ Ôm đóa hoa vô thường/ Nhà trống vắng/ Miền hằng thường/ Con về mái nhà xưa/ Gót chân trần chơi vơi…// Ai đang lên cầu thang/ Mẹ ơi, sương trăng nắng…”.
Mẹ, một thế giới thiêng liêng ủ ấm ký ức mỗi người, như dòng sông ngọt chảy mát tâm hồn, trị liệu những cơn đau giữa cõi đời ồn ã nhiều thương tổn. Con về dưới bóng mẹ xưa, để thấy mình trẻ dại. Con nhặt lấy những ảo tượng, vết tích mẹ, để từ trong thô tháp gạch ngói rêu cũ như thấy mẹ còn đâu đây. “Bóng ngả chiều về bóng Mẹ khuất trong mây/ Đêm huyền mộng trăng sao chong mắt thức/ Thì thầm với ngày mai.../ Môi lịm tắt khối thương niềm rêu cũ/ Mỗi ảnh ngày tiếp bước một sao đêm”.
Tập thơ như giải nén những xúc cảm, hoài tưởng về mẹ của tác giả Lê Từ Hiển. Ở tập thơ này, trong câu chữ có phần cầu kỳ, lối viết ngẫu hứng, ta nhận thấy thấp thoáng một nỗi cô đơn của thi nhân. Và hơn cả, là một tấm lòng nhất mực kính yêu với mẹ. Có lẽ nhờ vậy, tập thơ phần nào đó nhận được sự đồng cảm từ người đọc.
NGÔ PHONG