“Chạy đua” để giải ngân hơn 8.500 tỷ đồng dự án cao tốc Bắc-Nam
Dù khối lượng giải ngân luôn cao hơn bình quân chung của cả nước, tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải luôn thúc giục các đơn vị tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.
Nhà thầu thi công dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Các Ban quản lý dự án của Bộ Giao thông Vận tải sẽ phải “chạy đua” để tăng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ở cả hai giai đoạn dự án cao tốc Bắc-Nam nhằm đảm bảo kế hoạch phân bổ vốn của Chính phủ.
Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải), trong 11 tháng năm 2022, khối lượng giải ngân của Bộ Giao thông Vận tải đạt khoảng 34.900 tỷ đồng, đạt 63,4% so với kế hoạch được bổ sung (69,4% so kế hoạch giao đầu năm), duy trì ở mức cao hơn bình quân chung cả nước (khoảng 52,4%).
Từ nay tới ngày 31.1.2023, Bộ Giao thông Vận tải cần tiếp tục giải ngân khoảng 20.151 tỷ đồng. Số lượng vốn tập trung tại các dự án của các chủ đầu tư/Ban quản lý dự án thuộc Bộ (khoảng 12.218 tỷ đồng, chiếm 60,6%) và dự án cao tốc Hà Nội-Hải Phòng của VIDIFI (4.723 tỷ đồng chiếm 23,4%).
Trong đó, 11 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020 (giai đoạn 1) đã giải ngân 12.439 tỷ/16.034 tỷ đồng (77,6%). 12 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn 2) đã giải ngân được 4.553 tỷ/9.521 tỷ đồng (đạt 47,8%).
Như vậy, tổng khối lượng phải giải ngân còn lại ở cả 2 giai đoạn dự án cao tốc Bắc-Nam trong hai tháng cuối cùng của năm kế hoạch 2022 là 8.563 tỷ đồng.
Cụ thể, Ban quản lý dự án Thăng Long cần giải ngân 892 tỷ đồng cho dự án giai đoạn 1 (Mai Sơn-Quốc lộ 45 là 551 tỷ đồng, Phan Thiết-Dầu Giây là 341 tỷ đồng) và 654 tỷ đồng cho dự án giai đoạn 2 (Hàm Nghi-Vũng Áng là 415 tỷ đồng, Bãi Vọt-Hàm Nghi là 239 tỷ đồng).
Ban quản lý dự án 7 cần giải ngân 1.146 tỷ đồng cho dự án giai đoạn 1 (Vĩnh Hảo-Phan Thiết là 849 tỷ đồng, cầu Mỹ Thuận 2 là 297 tỷ đồng) và 1.289 tỷ đồng cho dự án giai đoạn 2 (Vân Phong-Nha Trang là 666 tỷ đồng, Chí Thạnh-Vân Phong là 623 tỷ đồng).
Ban quản lý dự án 6 cần giải ngân 654 tỷ đồng cho dự án giai đoạn 1 (Nghi Sơn-Diễn Châu là 344 tỷ đồng, Diễn Châu-Bãi Vọt là 310 tỷ đồng) và 568 tỷ đồng giai đoạn 2 (Bùng-Vạn Ninh là 342 tỷ đồng, Vũng Áng-Bùng là 226 tỷ đồng).
Ban quản lý dự án 2 cần giải ngân 180 tỷ đồng cho dự án giai đoạn 1 (Quốc lộ 45-Nghi Sơn) và 572 tỷ đồng cho dự án thành phần Quảng Ngãi-Hoài Nhơn thuộc dự án giai đoạn 2. Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cần giải ngân 628 tỷ đồng cho dự án giai đoạn 1 (Cam Lộ-La Sơn là 385 tỷ đồng, Nha Trang-Cam Lâm là 243 tỷ đồng) và 731 tỷ đồng cho một dự án thành phần dự án giai đoạn 2 (Vạn Ninh-Cam Lộ).
Ban quản lý dự án 85 cần giải ngân 84 tỷ đồng cho một dự án thành phần giai đoạn 1 (Cam Lâm-Vĩnh Hảo) và 747 tỷ đồng cho dự án giai đoạn 2 (Hoài Nhơn-Quy Nhơn là 551 tỷ đồng, Quy Nhơn-Chí Thạnh là 196 tỷ đồng). Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cần giải ngân 408 tỷ đồng cho hai dự án thành phần giai đoạn gồm Hậu Giang-Cà Mau là 231 tỷ đồng, Cần Thơ-Hậu Giang 177 tỷ đồng.
Với các dự án ODA giao thông, phía Vụ Kế hoạch-Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết năm 2022, các dự án ODA được giao kế hoạch vốn 5.440 tỷ đồng. Đến hết tháng 11.2022, khối lượng giải ngân đạt 3.709 tỷ đồng (68,2%).
Hơn 1.700 tỷ đồng chưa giải ngân tập trung ở 8 dự án gồm Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn Tân Vạn-Nhơn Trạch là 350 tỷ đồng; dự án Bến Lức-Long Thành là 296 tỷ đồng; dự án Kết nối giao thông miền núi phía Bắc là 211 tỷ đồng; dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên là 92 tỷ đồng…
Theo Việt Hùng (Vietnam+)