Phòng chống tham nhũng qua tự kiểm tra, giám sát:
Kết quả đạt được còn hạn chế
Một trong những yêu cầu đặt ra đối với công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) là phát hiện được tham nhũng qua công tác tự kiểm tra nội bộ hoặc qua công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đây là vấn đề khó và kết quả đạt được vẫn còn hạn chế.
Theo báo cáo của Tỉnh ủy, 6 tháng đầu năm 2014, các cơ quan, đơn vị địa phương đã chú trọng chỉ đạo thực hiện công tác tự kiểm tra giám sát nội bộ của thủ trưởng cơ quan, tổ chức đơn vị gắn với việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; các cấp ủy, tổ chức đảng cũng tăng cường chỉ đạo kiểm tra, giám sát về PCTN. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa phát hiện vụ việc hoặc người liên quan đến hành vi tham nhũng nhờ những hoạt động này.
Tham dự buổi làm việc với Ban Nội chính Trung ương về nắm tình hình công tác nội chính và PCTN trên địa bàn tỉnh mới đây, một số đại biểu đã khá tâm tư khi đề cập đến vấn đề này.
Ông Nguyễn Đức Trí, Viện trưởng Viện KSND tỉnh nhận xét, việc phát hiện ở các cơ quan quản lý gần như không có. Lâu nay cơ quan thanh tra cũng không chuyển được vụ việc nào gọi là tham nhũng sang các cơ quan điều tra. Một đại biểu khác cũng cho rằng đối tượng đấu tranh của PCTN là người có chức vụ, tuy nhiên với tâm lý e ngại, nể nang nhau, giữ thân… nhất là đối với cấp trên, việc phát hiện tham nhũng qua hoạt động tự kiểm tra, giám sát hầu như chưa đạt kết quả. Đại biểu này còn cho biết thêm, thống kê trong một thời gian dài, ngành tòa án đã xét xử tổng cộng 9 vụ tham nhũng liên quan đến các HTXNN, nhưng số tiền tham nhũng tổng cộng cũng chưa quá 100 triệu đồng.
Song, lại có những vụ tham nhũng trong ngân hàng, dù có quy định, quy trình tự kiểm tra nhau, thâm lạm hàng chục tỉ đồng vẫn để xảy ra, thậm chí kéo dài trong nhiều năm liền mà không ai phát hiện ra. Mãi cho đến khi người phạm tội không còn khả năng chi trả, tự thú hoặc qua khiếu nại, tố cáo thì mới vỡ lở như các vụ tham ô tại một số chi nhánh ngân hàng. Thủ đoạn gây án của người phạm tội là tinh vi hay chính sự kiểm tra, giám sát nội bộ lơ là, thiếu trách nhiệm của cán bộ trực tiếp quản lý là nguyên nhân khiến “con voi chui lọt lỗ kim”?
Theo báo cáo của lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh, các vụ án tham nhũng khi chuyển sang thi hành án đều không còn tiền, không có tài sản để thi hành án. Được biết, đến nay cơ quan chức năng chỉ thu hồi được 5,8 tỉ đồng trên tổng số tiền trên 31 tỉ đồng mà bị cáo Hồ Thị Thu Hương - nguyên thủ kho tiền Ngân hàng ĐT-PT Việt Nam - Chi nhánh Phú Tài tham ô, bị TAND tỉnh xử tù chung thân.
Tại buổi làm việc với Ban Nội chính Trung ương, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lê Kim Toàn cũng thừa nhận hoạt động tự kiểm tra, giám sát tuy được triển khai nhưng hiệu quả chưa cao, chưa đạt yêu cầu; khả năng phát hiện ra tham nhũng còn thấp. Nguyên nhân chủ yếu là sự chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị đối với công tác PCTN chưa cao hoặc tuy có triển khai nhưng mang tính hình thức. Một số đơn vị chưa thực hiện tốt việc tự kiểm tra nội bộ, rà soát, phát hiện và xử lý các vụ việc có liên quan đến tham nhũng; công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật PCTN còn hạn chế.
Để công tác PCTN thực sự đạt hiệu quả như mong đợi, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đã gợi ý tỉnh một số giải pháp. Đó là cần tăng cường vai trò giám sát của nhân dân, cơ quan truyền thông và các cơ quan dân cử và xây dựng quy chế phối hợp với MTTQ Việt Nam các cấp nắm bắt thông tin dư luận. Bên cạnh đó, cần lưu ý một số lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng như ngân hàng, thực hiện chính sách người có công, chi tiêu tài chính.
NGUYỄN SƠN
Đối tượng nào có hành vi tham nhũng ? ai cũng có thể trả lời dễ dàng ! nhưng để chống điều đó không là chuyện đơn giản (đôi khi bất lực),... muốn thế cần phải triệt tiêu mọi nguồn gốc tạo ra nó, trong đó có sự đòi hỏi tinh thần trách nhiệm với chức vụ của mình với xã hội và cần một cơ chế rõ ràng chống, phòng sự nhũng nhiễu của cán bộ công chức đang thi hành công vụ, vì nó là điều kiện để tạo nên sự lo lót được phù hợp, không bằng chứng.