Kinh tế Việt Nam nỗ lực ổn định trong bất định
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 11.2022 ước tính tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước cho thấy khối ngành sản xuất vẫn duy trì được nhịp độ tăng trưởng.
Tổng Cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố số liệu kinh tế tháng 11 và 11 tháng năm 2022 với nhiều điểm đáng chú ý về hoạt động sản xuất công nghiệp, đầu tư, xuất nhập khẩu cùng sự tham gia thị trường của doanh nghiệp. Trong bối cảnh niềm tin với thị trường trái phiếu, thị trường vốn suy giảm, thì những số liệu mới được công bố thực sự có ý nghĩa - giúp người dân và các nhà đầu tư nhận diện rõ hơn, củng cố niềm tin về triển vọng kinh tế nước nhà.
Với thị trường lao động, trong bối cảnh kinh tế quốc tế nhiều biến động, tác động tới sản xuất kinh doanh trong nước, nhiều ý kiến đã lo ngại có thể xảy ra hiện tượng lao động thất nghiệp tràn lan hoặc bị sa thải hàng loạt, tác động tiêu cực lên toàn nền kinh tế, thì số liệu vừa công bố cho thấy: Điều đó không hoặc là chưa xảy ra ở thị trường Việt Nam. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp ước tính tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện thể hiện quyết tâm của các nhà đầu tư đối với Việt Nam cũng đạt khoảng 19,7 tỷ USD. (Ảnh minh họa).
Hoạt động xuất nhập khẩu tháng 11 tuy có suy giảm so với tháng trước nhưng vẫn duy trì được nhịp độ tốt khi kim ngạch xuất khẩu đạt 29,18 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 28,4 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 11 ước tính xuất siêu 0,78 tỷ USD. Khách quốc tế đến Việt Nam tăng 23 % so với tháng trước… cho thấy kinh tế Việt Nam giữ nhịp tăng trưởng ổn định, trong bối cảnh kinh tế quốc tế nhiều biến động.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Duy Bình - Giám đốc Điều hành Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Economica Việt Nam dẫn chứng khẳng định, “các nhà đầu tư đang có thêm động lực khi dốc vốn vào Việt Nam”.
Theo ông Bình: "Niềm tin của các nhà đầu tư, niềm tin của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đối với nền kinh tế vẫn được củng cố, khoảng 12.000 doanh nghiệp được thành lập mới, vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục được đổ vào Việt Nam với khoảng 25 tỷ USD vốn đăng ký tính đến tháng cuối tháng 11. Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện thể hiện quyết tâm của các nhà đầu tư đối với Việt Nam cũng đạt khoảng 19,7 tỷ USD.
Rồi tổng mức bán lẻ vẫn tăng khoảng 2 % so với tháng trước. Tất cả cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư của người tiêu dùng và hiện tượng xấu đi của doanh nghiệp, của thị trường lao động chỉ xảy ra cục bộ ở một số ngành, một số bộ phận doanh nghiệp - không phải là bức tranh toàn nền kinh tế. Tôi nghĩ những thông tin này là rất cần thiết đối với nền kinh tế nói chung và đặc biệt đối với các nhà đầu tư trong thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán trong bối cảnh hiện nay".
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, cũng từ số liệu kim ngạch xuất-nhập khẩu tháng 11 và 11 tháng cho thấy nhu cầu thị trường toàn cầu đang suy giảm, đồng nghĩa, Việt Nam cần phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn để đa dạng hóa thị trường. Trong đó, phải dự báo được tính biến động của một số thị trường lớn để có những biện pháp sản xuất kinh doanh phù hợp, tránh những bị động-bất ngờ khi có tình huống xấu xảy ra.
Quan trọng là phải đảm bảo sự an toàn của hệ thống ngân hàng, an toàn của hệ thống tài chính. Hiện tại, đây là yếu tố tác động mạnh mẽ đến niềm tin của các nhà đầu tư, như khuyến nghị của TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Kinh tế ngành và Doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
TS. Trần Toàn Thắng cho biết: "Vị thế xuất khẩu của Việt Nam cho đến hiện nay vẫn là một vị thế xuất khẩu tương đối tốt. Tuy nhiên, tùy vào câu chuyện của những biến động về tỷ giá, lãi suất... liên quan đến việc chúng ta có kích thích được xuất khẩu hay không. Nếu như tỷ giá vẫn giữ mức tương đối thấp chẳng hạn thì nó sẽ đương nhiên không kích thích được xuất khẩu trong bối cảnh cầu tiêu dùng đang đang giảm xuống. Đây là một điểm mà trong điều hành về tỷ giá thời gian tới cần phải chú ý trong việc kích thích xuất khẩu, để giải tỏa việc tồn kho cũng như trì trệ của các doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay".
Cùng với vốn và tỷ giá, nhìn lại hoạt động kinh tế thời gian qua, các chuyên gia cho rằng thời gian tới cần quan tâm điều hành giá xăng-dầu. Đây là một trong những yếu tố đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của nền kinh tế, trong chặng đường còn lại của năm và là nền tảng cho cả năm 2023, bởi theo tính toán, giá xăng-dầu đóng góp tới hơn 50% chỉ số lạm phát.
Rất nhiều vấn đề cần nhận diện và lưu tâm trong nỗ lực ổn định và tăng tốc phục hồi kinh tế giai đoạn này, đặc biệt trong bối cảnh các chuyên gia nhận định xác suất suy thoái kinh tế Mỹ có thể lên đến 50%, tương tự là ở các nước Nhật Bản, Trung Quốc, khu vực Châu Âu - hầu hết đều là các thị trường lớn của Việt Nam… có thể khiến cho xuất khẩu, đầu tư, du lịch của Việt Nam bị tác động, làm gia tăng lạm phát, tăng trưởng chậm lại.
Khó khăn, thách thức thời gian tới là rất lớn, cần tiếp tục có những chính sách linh hoạt, phù hợp để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng. Rõ ràng, cần tiếp tục ổn định từ bên trong để có động lực bước qua những thách thức, rủi ro, bất định từ bên ngoài.
Theo Thu Trang (VOV1)