Bộ Công Thương muốn siết nhập khẩu gạo giá rẻ
Bộ Công Thương lo ngại việc nhập quá nhiều gạo giá rẻ, cấp thấp sẽ ảnh hưởng tới sản xuất lúa gạo trong nước nên cần siết lại.
Cơ quan này đang lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Nghị định 107/2018 kinh doanh xuất khẩu gạo với điểm mới là thêm quy định quản lý nhập khẩu lúa gạo, nhất là gạo giá rẻ từ các thị trường.
Vừa qua, Việt Nam đã nhập khẩu một số loại gạo phục vụ nhu cầu trong nước, nhiều nhất từ Ấn Độ, như sản xuất thức ăn chăn nuôi, nấu bia... và dành lượng gạo chất lượng cao hơn cho xuất khẩu.
Nông dân Ấn Độ thu hoạch gạo ở ngoại ô Srinagar ngày 22.9.2020. Ảnh:Reuters.
Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, năm 2020, lần đầu Việt Nam ghi nhận lượng gạo nhập từ Ấn Độ tăng vọt sau nhiều năm, với 46.700 tấn, tăng hơn 9 lần so với năm 2019. Năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 999.750 tấn gạo, trong đó hơn 72% là gạo Ấn Độ (719.970 tấn), với chủng loại gạo nhập chủ yếu là cấp thấp (gạo tấm và gạo trắng khác). Gạo Ấn Độ phần lớn phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong nước để làm bún, bánh, thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia, rượu...
Tuy vậy, nhờ giá rẻ và được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% với gạo từ Ấn Độ theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AIFTA), sản lượng gạo nhập từ thị trường này tăng mạnh. Năm ngoái, Bộ Công Thương đã kiểm tra 5 doanh nghiệp nhập khẩu lượng lớn gạo giá rẻ từ Ấn Độ.
Việc nhập khẩu gạo giá thấp quá nhiều, không được quản lý, thống kê đầy đủ, khiến cơ quan quản lý lo ngại ảnh hưởng tới sản xuất trong nước và gián tiếp ảnh hưởng tới an ninh lương thực. Vì thế, Bộ Công Thương cho rằng, cần có quy định về quản lý nhập khẩu gạo để điều tiết, điều hành việc nhập khẩu phù hợp từng thời kỳ.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An đồng tình việc siết lại nhập khẩu gạo cấp thấp, giá rẻ để "bảo vệ quyền lợi hàng chục triệu nông dân, ngành sản xuất lúa gạo trong nước".
"Thu nhập người nông dân vẫn rất bấp bênh, thay vì các doanh nghiệp nhập khẩu chủng loại gạo thấp về sản xuất thì có thể mua ngay tại thị trường trong nước. Việc này giúp nâng giá bán, giúp người nông dân trồng lúa tăng thu nhập", ông nói với VnExpress.
Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại An Giang cũng cho rằng, cần quản lý gạo nhập có giá thấp hơn trong nước. Theo ông, không loại trừ khả năng doanh nghiệp nhập về kê khai để sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhưng lại "trà trộn để xuất sang thị trường khác, gây nhiễu và cạnh tranh không lành mạnh".
Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 107 sẽ bổ sung quy định theo hướng, áp dụng biện pháp quản lý nhập khẩu khi xuất hiện lượng gạo nhập khẩu tăng có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.
Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung chế tài với thương nhân không thực hiện chế độ báo cáo, xúc tiến thương mại; quy định ủy thác xuất khẩu lúa gạo. Bởi, thực tế ba năm qua ghi nhận nhiều thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ tình hình ký và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo, tồn kho hàng quý, năm. Việc này gây nhiều khó khăn cho điều hành xuất khẩu gạo.
Góp ý thêm, ông Phạm Thái Bình cho rằng, lần sửa đổi này cơ quan quản lý cũng cần đưa ra quy định siết lại cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo. "Kinh doanh gạo là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, nhưng vừa rồi đã mở quá", ông nhận xét.
Ông cho hay, nhiều quốc gia, như Thái Lan, chỉ có 20 doanh nghiệp nhưng họ xuất khẩu tới chục triệu tấn. Còn Việt Nam số lượng doanh nghiệp gấp 10 lần, nhưng sản lượng xuất chỉ bằng 60-70% so với Thái Lan.
"Không phải cứ có số lượng nhiều doanh nghiệp thì hoạt động xuất khẩu sẽ tốt, chúng ta cần nâng chuẩn doanh nghiệp, phải có những doanh nghiệp đủ tầm, đủ mạnh và có năng lực", Tổng giám đốc Công ty Trung An chia sẻ.
Hiện mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 6-6,5 triệu tấn gạo. Gạo Việt Nam xuất khẩu đến 156 quốc gia, vùng lãnh thổ, cơ cấu thị trường đa dạng, chủng loại gạo xuất khẩu chuyển dịch sang sản phẩm chất lượng, giá trị gia tăng cao và thâm nhập được nhiều thị trường gạo cao cấp.
Ba năm trở lại đây, xuất khẩu gạo giảm về lượng do ảnh hưởng bởi dịch nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng nhờ giá. Theo số liệu của Bộ Công Thương, bình quân 8 tháng xuất khẩu khoảng 486 USD một tấn, tăng 10% so với 2019.
(Theo ANH MINH/VnE)