Tất bật vào vụ hàng tết
Từ tháng 10 - 11.2022, nhiều cơ sở, HTX, DN sản xuất, kinh doanh ngành hàng lương thực, thực phẩm trong tỉnh đã chuẩn bị nguyên liệu sản xuất phục vụ thị trường tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Mỗi ngày, các DN sản xuất bún, phở khô ở xã Ân Hảo Đông, huyện Hoài Ân như Phương Anh, Biên Thắm, KICAFOODS đưa ra thị trường 1.500 - 2.000 kg bún, phở khô các loại; dịp tết sẽ tăng 30% so với ngày thường, cộng vào đó là một số sản phẩm mới dành cho dịp tết như bún, phở khô ăn liền; bún, phở khô ngũ sắc... Để chủ động nguyên liệu sản xuất, từ giữa năm, các đơn vị sản xuất đã ký hợp đồng với nhiều nhà cung cấp trong và ngoài tỉnh; đầu tư thêm máy móc để nâng cao năng suất, chất lượng, tiết kiệm chi phí sản xuất, gia tăng khả năng cạnh tranh.
Ông Nguyễn Ngọc Kiều, chủ cơ sở sản xuất bún, phở khô KICAFOODS, cho biết: Tôi có lợi thế biết tiếng Lào và từng sinh sống, làm việc ở Lào 2 năm nên kết nối tiêu thụ, nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng bên đó tương đối dễ, các chuyến hàng vừa qua nhận được lời khen ngợi và hợp đồng mới. Cuối tháng 11.2022, tôi trực tiếp đi giao hàng và kết nối thêm các đơn vị phân phối sản phẩm của KICAFOODS. Những tháng cuối năm nay, tôi tập trung bán hàng cho thị trường Lào, Campuchia.
Còn bà Bùi Thị Thu Thắm, chủ cơ sở sản xuất bún, phở khô Biên Thắm cho biết: Để ổn định giá bán, góp phần hỗ trợ bạn hàng, chúng tôi phải tính và giải bài toán quản lý sản xuất từ khâu tích trữ nguyên liệu, tỷ lệ hao hụt trong sản xuất đến cả giao hàng để tiết kiệm chi phí vận chuyển, thậm chí còn mua thêm xe tải để có thể chủ động giao hàng...
Cơ sở sản xuất bún, phở khô Biên Thắm, Hoài Ân đang nỗ lực sản xuất hàng phục vụ tết Quý Mão 2023. Ảnh: HẢI YẾN
Trong khi đó, cơ sở sản xuất bún, phở khô Phương Anh tất bật vừa sản xuất vừa lo chuẩn bị hàng hóa giao cho khách. Bà Đào Thị Thức, chủ cơ sở, chia sẻ: Sau nhiều năm khai thác khách hàng, mở rộng thị trường, nay chúng tôi đã có bạn khắp nơi trong nước, trong đó mạnh nhất là ở TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đắk Lắk; đặc biệt còn có thêm bạn hàng ở các nước Nhật Bản, Malaysia, Indonesia…
Theo chương trình bình ổn giá của Sở Công Thương, các cơ sở sản xuất nước mắm, dầu phộng như Công Chính, Như Hoa, Thái An, Hưng Thịnh, Bếp Xưa… đều cam kết đảm bảo ổn định giá bán. Chỉ một vài mặt hàng bánh như kẹo dừa, bánh hồng, bánh cốm… tăng giá nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong năm 2022, giá nguyên liệu hải sản tươi sống tăng cao, hầu hết DN hoạt động ở ngành hàng này đều rất chật vật trong vấn đề giữ ổn định giá bán. Bà Huỳnh Thị Mị, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Đại Việt IPC (phường Tam Quan Nam, TX Hoài Nhơn), chia sẻ: Xăng dầu tăng giá, chi phí phục vụ đời sống sinh hoạt lên cao, ngư dân sẽ phải bán cho mình với giá cao. Nhưng mình không thể vin vào đó để nâng giá với bạn hàng, ngay cả khi nâng cũng phải cân nhắc và không thể nhiều tương đương với biến động đầu vào. Chúng tôi tháo gỡ khó khăn bằng cách chấp nhận lãi ít, thậm chí chỉ cần hòa vốn, mua vào với số lượng lớn để hy vọng có lãi khi bán ra với số lượng nhiều. Hiện tại, công ty đã trữ tương đối nhiều các loại mực ống, mực lá đại dương, mực trứng; cá thu, cá bóp… Lượng hàng này đủ đáp ứng cho các đơn hàng của một số siêu thị lớn ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Đóng gói sản phẩm hải sản tại Công ty TNHH Đầu tư Đại Việt IPC. Ảnh: HẢI YẾN
Hơn 6 tuần nữa là đến tết Nguyên đán Quý Mão 2023, việc sẵn sàng đủ hàng để cung cấp cho thị trường được các DN, cơ sở sản xuất cực kỳ quan tâm. Đặc biệt một số DN bắt đầu giới thiệu sản phẩm mới, như Công ty TNHH Sản xuất thực phẩm Minh Phúc Thịnh (huyện Phù Mỹ) giới thiệu mì Quảng khô; cơ sở sản xuất nước mắm Thái An chào bán nước mắm nguyên chất cá cơm; cơ sở dầu phộng Công Chính quảng bá dầu mè; KICAFOODS quảng bá sản phẩm phở ăn liền…
Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết, để bảo đảm có đủ hàng tết cho thị trường, sở đã làm việc với các DN nắm lại kế hoạch tích trữ, sản xuất, đôn đốc nguồn hàng bình ổn giá. Bên cạnh đó, Sở cũng kết hợp chặt chẽ với Cục Quản lý thị trường Bình Định giám sát, đảm bảo ổn định thị trường tiêu dùng, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng… Sở sẽ phối hợp với một số tỉnh, thành tổ chức chương trình kết nối cung - cầu, hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Trong đó sẽ ưu tiên tập trung cho nhóm hàng đặc sản, nông sản, hàng công nghiệp tiêu dùng và sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu của tỉnh.
HẢI YẾN