Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11
Phiên họp này, Chính phủ sẽ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2022; tình hình thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng năm 2022; tình hình triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia...
Sáng 1.12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11.2022. Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng dự Phiên họp.
Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng dự.
Phiên họp này Chính phủ sẽ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2022; tình hình thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng năm 2022; tình hình triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia. Đặc biệt, Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tháng 11, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó khăn hơn. Trong nước diễn ra nhiều sự kiện quan trọng như Hội nghị phổ biến Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh các vùng kinh tế, đô thị; Lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, Ngày Pháp luật Việt Nam; Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX.
Theo Thủ tướng, trong tháng 11, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường với các yếu tố rủi ro ngày càng gia tăng, tác động lớn trên quy mô toàn cầu, tăng trưởng kinh tế chậm lại: cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, sâu sắc; xung đột Nga - Ukraine kéo dài; lạm phát toàn cầu cao; nhiều quốc gia tăng lãi suất kéo dài và thắt chặt chính sách tiền tệ; đồng USD tăng giá, kéo theo nhiều đồng tiền tiếp tục mất giá. Tình hình sản xuất, kinh doanh, thị trường suy giảm do khó khăn. Nguy cơ rủi ro tài chính, tiền tệ, nguy cơ mất an ninh năng lượng, lương thực. Một số nền kinh tế lớn suy giảm; nhiều thị trường lớn có xu hướng giảm; biến đổi khí hậu, thiên tai, thời tiết cực đoan ngày càng phức tạp, khó lường.
Ở trong nước, chúng ta chấn chỉnh một số thị trường để hoạt động lành mạnh trở lại, tác động thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, tác động tâm lý khách hàng, nhà đầu tư. Tuy nhiên, chúng ta phải kiên quyết làm để bảo vệ người làm đúng, quyền và lợi ích chính đáng của khách hàng. Trong tháng cũng xuất hiện tình trạng khan hiếm xăng dầu; khó khăn trong xử lý thiếu thuốc, sinh phẩm…
Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp; đánh giá đúng tình hình đưa ra nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp phù hợp hạn chế tác động tối thiểu nước ta. Chính phủ thành lập một số tổ công tác về vốn, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, thị trường dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các Phó Thủ tướng .
Với những nỗ lực trên, chúng ta đã kiểm soát được tình hình, do đó kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, kiểm soát lạm phát, tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; bảo đảm các cân đối lớn; bội thu ngân sách, có dư địa để xử lý các vấn đề nổi lên, nhất là có dư địa để phục vụ việc tăng lương, đầu tư hạ tầng chiến lược; xuất siêu hơn 10 tỷ USD; bảo đảm lương thực, thực phẩm, xuất khẩu nhiều nông sản, lương thực; Tình hình chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; tăng cường hoạt động đối ngoại được triển khai toàn diện và hiệu quả.
Thủ tướng nêu rõ, tình hình sắp tới còn nhiều khó khăn, phức tạp, nhất là tác động từ bên ngoài, đòi hỏi chúng ta phải nắm chắc tình hình, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý để làm tốt nhiệm vụ trong tháng 12 – tháng cuối năm 2022, hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội giao. Liên quan các vấn đề nổi lên, chúng ta phải nỗ lực khắc phục triệt để thiếu xăng dầu, thuốc, sinh phẩm, tiếp tục tiêm chủng để kiểm soát dịch bệnh; đảm bảo thị trường an toàn, lành mạnh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân dịp Tết, không thể thiếu mặt hàng thiết yếu, không để tăng giá.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 11 và 11 tháng đầu năm, tình hình KTXH khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực với nhiều điểm sáng. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng tăng 3,02%.
Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022
Các cân đối lớn được bảo đảm thu NSNN 11 tháng ước vượt 16,1% dự toán, tăng 17,4%; Xuất đủ nhập - Kim ngạch XNK đạt trên 673,8 tỷ USD, tăng 11,8%, xuất siêu 10,6 tỷ USD; An ninh lương thực được bảo đảm, 11 tháng xuất khẩu nông sản trên 49 tỷ USD, tăng 11,8%; trong đó gạo trên 3,2 tỷ USD, tăng 6,9%; Thị trường tiền tệ chủ động thích ứng với những biến động nhanh và mạnh hơn của thị trường quốc tế. Tỷ giá được điều hành phù hợp, bảo đảm nhu cầu ngoại tệ trong nước, duy trì dư địa điều hành. Đến ngày 16/11/2022, tín dụng tăng 11,82% so với cuối năm 2021; Thương mại, dịch vụ sôi động, phục hồi nhanh ở tất cả các ngành: Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ giữ xu hướng tăng, tháng 11 tăng 2,6% so tháng trước; tổng 11 tháng đạt gần 5,2 triệu tỷ, tăng 20,5% cùng kỳ. Khách quốc tế tháng 11 tăng 23,2% so tháng trước; 11 tháng đạt gần 3 triệu lượt, tăng 21 lần cùng kỳ.
Vốn FDI thực hiện 11 tháng đạt 19,68 tỷ USD tăng 15,1% - cao nhất của 11 tháng trong 5 năm qua, góp phần giảm áp lực lên cán cân thanh toán quốc tế trong ngắn hạn và tăng năng lực sản xuất mới.
(Theo Vũ Khuyên/VOV)