Nỗ lực gỡ thẻ vàng thủy sản trong năm 2023
Chiều 1.12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) với 28 tỉnh, thành phố ven biển trong cả nước. Tại điểm cầu Bình Ðịnh, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn chủ trì hội nghị.
Việc thực thi pháp luật trên thực tế chưa tốt
Theo Bộ NN&PTNT, đợt kiểm tra thứ 3 vừa qua, phía Ủy ban Châu Âu (EC) đánh giá tình hình chống khai thác IUU tại Việt Nam đã có chuyển biến tích cực hơn nhiều so với lần thanh tra thực tế lần thứ 2 năm 2019. Đến nay, Việt Nam đã hoàn thiện khung pháp lý; công tác theo dõi, quản lý đội tàu, giám sát sản lượng lên bến; thực hiện xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước và nhập khẩu; công tác thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính đã được cải thiện và đạt những kết quả đáng ghi nhận.
Bình Định cập nhật và theo dõi, giám sát tàu cá hoạt động dựa trên Hệ thống thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: THU DỊU
Tuy nhiên, phía EC chỉ ra các điểm tồn tại, các nguy cơ và đánh giá việc triển khai thực thi pháp luật thực tế chưa đảm bảo. Cụ thể, về khung pháp lý cần tiếp tục xem xét, rà soát, điều chỉnh một số quy định để tăng cường hiệu lực, hiệu quả chống khai thác IUU; triển khai Luật Thủy sản, các quy định về chống khai thác IUU chưa đồng bộ ở các địa phương. Về quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá - hiện chưa đảm bảo 100% tàu cá có chiều dài trên 15 m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; tình trạng tàu cá mất kết nối dài ngày trên biển vẫn tiếp tục diễn ra.
EC cũng cho rằng việc thực hiện xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước còn nhiều tồn tại: Chưa có hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử, hồ sơ truy xuất nguồn gốc tại một số DN còn sai sót, mang tính đối phó. Chưa kiểm soát được nguồn gốc thủy sản khai thác nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam, gia tăng nguy cơ rủi ro vi phạm IUU. Từ thực tế đó, phía EC đánh giá dù nỗ lực, nhưng việc thực thi pháp luật, xử lý vi phạm vẫn chưa đủ mạnh để ngư dân tuân thủ.
Kết thúc đợt thanh tra lần thứ 3, EC “gia hạn” thẻ vàng thêm 6 tháng để giải quyết tất cả vấn đề. Dự kiến, đoàn thanh tra của EC sẽ sang Việt Nam vào tháng 4.2023 để nghe giải trình và quyết định với việc gỡ thẻ vàng thủy sản.
Bình Định quyết tâm cao
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tính từ lúc EC đưa thẻ vàng đến nay, cả nước có 73 tàu cá vi phạm. “Phía EC đã nhấn mạnh không khoan dung cho bất cứ lý do gì để vi phạm khai thác IUU diễn ra. Chúng ta cần phải hành động để giải quyết dứt điểm vấn đề này mới có thể triển khai các giải pháp lâu dài”, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Quang cảnh hội nghị trực tuyến về chống khai thác IUU tại điểm cầu Bình Định. Ảnh: THU DỊU
Bình Định là địa phương được đánh giá có nhiều nỗ lực trong chống vi phạm khai thác IUU. Đến năm 2022, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho nhóm tàu cá dài 15 m trở lên đạt 100%; việc xác thực nguồn gốc thủy sản đảm bảo (413 hồ sơ/3.721 tấn) không có lô hàng nào bị trả về; rà soát và cấp chứng nhận giấy phép khai thác thủy sản cho nhóm tàu cá nhỏ đang được triển khai.
Tuy nhiên, đến nay việc triển khai thực hiện tại Bình Định cũng gặp một số khó khăn nhất định, như: Vẫn còn xảy ra trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ; hệ thống giám sát tàu cá, thiết bị VMS hoạt động chưa ổn định, thông suốt, nhiều tàu cá bị mất kết nối, bị gián đoạn, vượt ranh giới bị cảnh báo; việc điều tra, xử lý tàu cá khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài chưa kịp thời, chưa đảm bảo tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật. Cụ thể đầu năm 2022 đến nay, có 10 tàu cá của ngư dân bị nước ngoài bắt giữ; tình trạng tàu cá mất liên lạc trên biển ngày càng nhiều thêm…
Báo cáo tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết, tỉnh Bình Định quyết liệt triển khai các giải pháp gỡ thẻ vàng IUU. Đến nay, Bình Định quản lý 100% tàu cá hoạt động trên biển (lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, cấp giấy phép khai thác thủy sản). Về nhật ký khai thác, hiện đang triển khai lắp đặt thí điểm nhật ký khai thác điện tử cho 100 tàu cá trên 15 m để làm cơ sở triển khai cho toàn đội tàu. Tỉnh đang rà soát để tái cơ cấu đội tàu và thực hiện kế hoạch chuyển đổi nghề dựa trên thế mạnh là có các vùng đầm lớn và phát triển du lịch. Với nhóm tàu hoạt động ở các ngư trường phía Nam nhiều năm không về, tỉnh triển khai quy chế phối hợp với các tỉnh, thành phố này để thực hiện công tác quản lý tàu cá chặt chẽ hơn.
Tỉnh Bình Định đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo tăng cường lực lượng chấp pháp trên biển. Đề xuất Bộ NN&PTNT chủ trì thống nhất quy chế phối hợp giữa các địa phương để quản lý tàu cá. Ngay cả về vấn đề xử phạt cũng cần điều chỉnh theo hướng nghiêm khắc hơn. “Quan điểm của chúng tôi nên xem xét thu bằng vĩnh viễn thuyền trưởng vi phạm, đề xuất chuyển đổi nghề không cho ngư dân vi phạm ra ngư trường nữa. Nên xem xét về độ tuổi của tàu trong việc cho ra khơi, quy định thời gian để ngăn chặn việc tàu cá vi phạm IUU”, Chủ tịch Phạm Anh Tuấn nêu ý kiến.
Cần hành động quyết liệt hơn
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo, trước mắt, các bộ, ngành, địa phương tập trung giải pháp để giải trình các khuyến nghị của EC. Phải nhận thức thực hiện việc này không phải đối phó mà nhằm đảm bảo lợi ích sinh kế cho người dân, cho quốc gia, nâng cao hình ảnh của đất nước trong việc thực hiện cam kết quốc tế. “Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân cùng thực hiện để giải quyết dứt điểm vấn đề này. Theo đến cùng công việc, khó mấy cũng làm được, không hình thức, không đối phó”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
THU DỊU