Xây dựng mã QR cho các bảo vật quốc gia tại Bảo tàng tỉnh
(BĐ) - Nhằm giúp du khách có thể tự tìm hiểu, nghiên cứu nghệ thuật điêu khắc đá Champa, Bảo tàng tỉnh đang xây dựng mã QR đối với 6 hiện vật là bảo vật quốc gia đang lưu giữ, trưng bày tại đây, gồm: Phù điêu nữ thần Mahishasuramardini (niên đại đầu thế kỷ XII, phát hiện năm 1989, tại một phế tích Rừng Cấm, thuộc xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn); phù điêu thần Brahma (niên đại cuối thế kỷ XII, tìm thấy tại tháp Dương Long, thuộc xã Tây Bình, huyện Tây Sơn vào năm 1985); cặp phù điêu chim thần Garuda diệt rắn (niên đại thế kỷ XII - XIV, phát hiện trong cuộc khai quật năm 2011 tại phế tích Tháp Mắm, thuộc phường Nhơn Thành, TX An Nhơn); phù điêu nữ thần Sarasvati (niên đại đầu thế kỷ XII, phát hiện vào năm 1988 tại phế tích Châu Thành, thuộc phường Nhơn Thành, TX An Nhơn); phù điêu thần Hộ pháp Mả Chùa (niên đại thế kỷ XII, phát hiện năm 1922 tại phế tích có tục danh gò Mả Chùa, thuộc xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn).
Cán bộ Bảo tàng tỉnh chụp ảnh, đo đạc lại hiện vật để làm tư liệu thuyết minh các bảo vật quốc gia bằng mã QR. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: Cuối tháng 10.2022, Sở TT&TT đã hỗ trợ Bảo tàng tỉnh hệ thống mã QR thuyết minh cho du khách tại 7 cụm tháp Chăm, gồm Tháp Đôi, Bánh Ít, Bình Lâm, Cánh Tiên, Dương Long, Phú Lốc, Thủ Thiện. Trên cơ sở đó, đơn vị tiếp tục làm mã QR cho các bảo vật quốc gia. Năm 2023, sẽ tiếp tục hoàn thiện thêm hệ thống mã QR thuyết minh đối với các hiện vật khác đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh, nhằm hướng tới việc thực hiện số hóa di sản”.
BẢO MINH