Chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn, phát huy nghệ thuật hát tuồng
Ngày 3.12, Sở VH&TT tỉnh Bình Ðịnh phối hợp Sở VH&TT TP Hồ Chí Minh tổ chức gặp gỡ, giao lưu, nghiên cứu, biểu diễn tìm hướng bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống. Hoạt động có sự tham gia của nhiều lãnh đạo, cán bộ quản lý văn hóa, nhà nghiên cứu, chuyên gia văn hóa, nghệ sĩ; cùng thảo luận, gợi mở về giải pháp bảo tồn và phát huy nghệ thuật tuồng (hát bội) hiệu quả, phù hợp nhất.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, cho biết: Tỉnh Bình Định và TP Hồ Chí Minh đều có nhiều thế mạnh riêng trong giữ gìn và phát huy bản sắc nghệ thuật tuồng, loại hình nghệ thuật truyền thống mà đồng bào trong Nam quen gọi là hát bội. Tỉnh ta giữ được vốn tuồng cổ, TP Hồ Chí Minh lại có cái hay trong phong cách biểu diễn, trang trí sân khấu, phương pháp tiếp cận khán giả đương đại. Bởi vậy, ta và bạn đều muốn học hỏi lẫn nhau, chia sẻ định hướng trong đào tạo thế hệ kế tiếp nhằm gìn giữ di sản, có thể phục vụ các tour du lịch theo hướng “lấy tuồng nuôi tuồng”.
Diễn viên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đang tập trích đoạn tuồng Đào Tấn tâm sự với nàng Mai để biểu diễn giao lưu. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Xã hội hiện đại có quá nhiều loại hình giải trí, hầu hết đều cho phép người dùng linh hoạt sử dụng, thụ hưởng vì thế không chỉ tỉnh Bình Định mà cả TP Hồ Chí Minh - một địa phương vốn rất mạnh trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ giải trí, bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật cũng rất trăn trở với câu hỏi làm sao để nghệ thuật tuồng khởi sắc, lan tỏa đến với công chúng, nhất là khán giả trẻ. Cùng với đó, nỗi niềm lớn nhất của nhiều nghệ nhân, diễn viên tâm huyết với tuồng trong công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật tuồng là sự thiếu vắng dần khi nhìn vào đội ngũ diễn viên trẻ.
Ông Võ Hồ Hoàng Vũ, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP Hồ Chí Minh, tâm tình: Chúng tôi chọn Bình Định đến giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, bởi đây là cái nôi của nghệ thuật tuồng. Hơn nữa, theo quan sát của chúng tôi, tỉnh Bình Định có nhiều giải pháp khơi dòng, duy trì, hỗ trợ và định hướng phát triển nghệ thuật tuồng với nhiều hình thức, trên nhiều kênh khác nhau. Thông qua cuộc gặp gỡ, giao lưu này, chúng tôi cũng sẽ có giải pháp đề xuất với Sở VH&TT TP Hồ Chí Minh, gắn kết với Bình Định để cùng nhau khai thác thế mạnh, tiềm năng của nghệ thuật tuồng, bảo tồn, phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch; nhất là liên kết các tour du lịch xem biểu diễn tuồng, từng bước đưa nghệ thuật tuồng đến gần hơn với công chúng.
Trong đợt gặp gỡ, giao lưu lần này, lãnh đạo, chuyên gia ngành Văn hóa của hai địa phương cùng tọa đàm nhằm tìm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, quảng bá phát huy nghệ thuật tuồng. Ông Huỳnh Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở VH&TT, cho biết: TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của cả nước, có nhiều kinh nghiệm hay để Bình Định tham chiếu, học hỏi. Phía bạn cũng rất ấn tượng ở điểm ngoài đoàn tuồng “nhà nước nuôi” - Đoàn tuồng Đào Tấn (thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh), tỉnh ta còn có 10 “đoàn tuồng dân nuôi”, là những đoàn tuồng không chuyên nhiều năm qua vẫn hoạt động, lưu diễn phục vụ không chỉ công chúng trong tỉnh mà còn vươn ra nhiều tỉnh, thành xa. Đây cũng là vấn đề mà phía bạn muốn tìm hiểu với mục đích tìm ra những điểm có thể vận dụng để thực hiện ở TP Hồ Chí Minh.
Trong khuôn khổ cuộc gặp gỡ, giao lưu giữa ngành VH&TT hai địa phương sẽ diễn ra một số sự kiện, như: Dâng hoa Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, dâng hương Đền thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn, tham quan Bảo tàng Quang Trung; trưng bày giới thiệu ảnh tư liệu, phục trang, đạo cụ, mặt nạ tuồng, nghệ thuật hóa trang, nhạc cụ dân tộc của Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định và Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, còn có giao lưu biểu diễn tuồng của 2 Nhà hát; biểu diễn giao lưu võ thuật giữa Liên đoàn võ cổ truyền TP Hồ Chí Minh và Trung tâm Võ cổ truyền Bình Định.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN