Chủ tịch Quốc hội: Hợp tác giáo dục là trụ cột trong hợp tác Việt Nam - Australia
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, trong gần nửa thế kỷ qua, hợp tác giáo dục, đào tạo luôn là trụ cột và là điểm sáng trong hợp tác hữu nghị hai nước Việt Nam và Australia.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Australia, sáng 2.12, (theo giờ địa phương), tại TP Melbourne, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự Diễn đàn hợp tác giáo dục Việt Nam - Australia; cùng dự có Thượng nghị sỹ - đồng Bộ trưởng Thương mại và sản xuất Australia Tim Ayres. Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đưa ra 5 điểm đề xuất, trong đó tăng số lượng các chương trình liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam với các cơ sở giáo dục đại học có xếp hạng cao của Australia.
Giáo dục luôn đóng vai trò quan trọng trong hợp tác giữa Australia - Việt Nam
Phát biểu tại diễn đàn, Thượng nghị sỹ - đồng Bộ trưởng Thương mại và sản xuất Australia Tim Ayres khẳng định, giáo dục luôn đóng vai trò quan trọng trong hợp tác song phương; hai nước đang có những nỗ lực rất cụ thể để cải thiện không chỉ trong hệ thống giáo dục mà còn trong hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư.
Thượng nghị sỹ Tim Ayres cho biết, quan hệ giữa hai nước là một trong những mối quan hệ quan trọng và đa dạng nhất của Australia trong khu vực. Quan hệ này dựa trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, hợp tác kinh tế, giao lưu nhân dân sâu sắc và một hợp tác không thể thiếu đó là trong giáo dục, nghiên cứu, đào tạo.
Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Diễn đàn hợp tác giáo dục Việt Nam - Australia
Minh chứng, năm 1974 chỉ 1 năm sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, Australia đã cấp học bổng học bổng đầu tiên cho sinh viên Việt Nam và kể từ đó đến hơn 80.000 sinh viên Việt Nam đã hoàn tất tiến trình học tập ở đây.
Nhấn mạnh, Việt Nam - Australia đang có những cơ hội trong giáo dục đào tạo kỹ năng, đặc biệt, thông qua chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế, Thượng nghị sỹ - Bộ trưởng Thương mại Australia Tim Ayres cho biết, hai nước đang có cam kết chung để trở thành Top 10 đối tác thương mại của nhau và tăng gấp đôi kim ngạch thương mại. Điều quan trọng, đã có những sinh viên Việt Nam học tập tại Việt Nam, nhưng được cấp bằng của Australia. Điều này phản ánh sự cởi mở của một đất nước Việt Nam hiện đại, với những ý tưởng mới, những cách tiếp cận mới, những khoản đầu tư mới.
Khẳng định, lĩnh vực đào tạo vẫn còn nhiều dư địa, theo ông Tim Ayres, đây là vấn đề đang thảo luận rất nhiều để hai bên có thể tăng cường quan hệ đầu tư mạnh mẽ hơn nữa giữa hai nước, bao gồm cả trong lĩnh vực giáo dục. Đặc biệt, việc cung cấp dịch vụ giáo dục không phải chỉ mang lợi ích kinh tế, mà còn rất nhiều giá trị sâu sắc hơn nữa, ngoài giá trị kinh tế.
Thượng nghị sỹ - Bộ trưởng Thương mại Australia Tim Ayres.
Đánh giá cao quá trình đổi mới và mục tiêu của Việt Nam trở thành một quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, Thượng nghị sỹ, đồng Bộ trưởng Bộ Thương mại và sản xuất Australia nhấn mạnh: "Mục tiêu này chỉ có thể thực hiện với một đội ngũ lao động tay nghề cao và hợp tác trong giáo dục đào tạo sẽ đóng vai trò quan trọng. Vì thế, các cơ sở đào tạo đại học của Australia cũng đang hướng tới Việt Nam để tìm kiếm cơ hội mới và mở rộng hợp tác với lực lượng lao động Việt Nam. Tất nhiên, cũng có thể giúp chúng tôi cải thiện những điều chúng tôi còn thiếu. Quan hệ đối tác trong lĩnh vực này rất quan trọng, để có thể hỗ trợ cho việc tuyển dụng việc làm và tăng cường ngành chế biến sản xuất tại Việt Nam. Bên cạnh đó, không chỉ khuyến khích các sinh viên Việt Nam tới học ở Australia mà còn khuyến khích các sinh viên Australia tới học tại Việt Nam. Hai bên có thể học hỏi kinh nghiệm của nhau”.
Giáo dục không chỉ giúp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực mà còn là sợi dây gắn kết văn hóa của hai dân tộc, nhịp cầu hữu nghị giữa hai đất nước
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chào mừng các đại biểu tham dự diễn đàn trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Australia lần đầu tiên trên cương vị Chủ tịch Quốc hội Việt Nam; khẳng định trong gần nửa thế kỷ qua, hợp tác giáo dục, đào tạo luôn là trụ cột và là điểm sáng trong hợp tác hữu nghị hai nước. Hiện có khoảng 30 nghìn sinh viên Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại Australia, đứng thứ 4 trong các nước có sinh viên học tập tại Australia.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, sự hợp tác giáo dục và đào tạo giữa hai nước không chỉ giúp cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực để phục vụ phát triển kinh tế nhanh và bền vững của mỗi nước còn là sợi dây gắn kết văn hóa của hai dân tộc, là nhịp cầu hữu nghị giữa hai đất nước.
Cho biết, Việt Nam đang triển khai các chương trình hành động thực hiện các mục tiêu này dựa trên các trụ cột cải cách khung khổ pháp luật, thể chế, phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc phát triển dựa trên yêu cầu nhanh và bền vững, dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Như vậy, yếu tố con người là động lực, nguồn nội sinh hết sức quan trọng, đây là "tài sản" lớn nhất của Việt Nam để thực hiện khát vọng và các mục tiêu dài hạn.
Bằng chứng trong đại dịch Covid-19, Việt Nam là nước có tăng trưởng dương (gần 2,6%) năm 2021, chín tháng năm 2022 tăng trưởng đạt 8,83%, có mức tăng trưởng cao nhưng lạm phát thấp (dưới 3%). Tuy có những khó khăn do tác động của đại dịch nhưng mục tiêu trong dài hạn là không thay đổi. Vì vậy những hoạt động, diễn đàn hợp tác giáo dục là quan trọng.
Chia sẻ mong muốn kết nối giáo dục đào tạo giữa Nhà nước với Nhà nước, các Bộ với Bộ và cấp cơ sở đào tạo với nhau, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là cơ hội tốt để thực hiện kết nối này với đại diện lãnh đạo của 20 trường đại học của Việt Nam.
Ngoài phát triển toàn diện của mối quan hệ hợp tác, còn có 3 trọng điểm: chia sẻ kinh nghiệm học tập lẫn nhau, khung chương trình đào tạo quốc gia các cấp học, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong học sinh, sinh viên.
Để kết nối các cơ sở giáo dục, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đưa ra 5 điểm đề xuất: "Tăng số lượng các chương trình liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam với các cơ sở giáo dục đại học có xếp hạng cao của Australia, trong đó chú trọng hơn đến lĩnh vực khoa học công nghệ và đào tạo trình độ đào tạo tiến sĩ. Tăng cường việc trao đổi sinh viên, giảng viên cũng như đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu giữa các trường đại học của Australia và Việt Nam. Sớm có thêm các trường đại học có uy tín của Australia mở phân hiệu tại Việt Nam. Tiếp tục hỗ trợ cho việc dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam, trong đó có việc chia sẻ nguồn học liệu. Các trường đại học, các cơ sở giáo dục của hai nước, đặc biệt là các đại biểu có mặt tại diễn đàn, đại diện cho các trường sẽ tích cực thảo luận, tìm kiếm cơ hội hợp tác, có thể tiến hành ký kết các biên bản ghi nhớ và sớm cùng nhau triển khai thực hiện hiệu quả”.
Chủ tịch Quốc hội tin tưởng rằng, diễn đàn hợp tác giáo dục Việt Nam-Australia sẽ mở ra một giai đoạn mới cho sự hợp tác giáo dục giữa hai bên một cách bền vững, lâu dài, góp phần tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Australia.
Tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew John Lech Goledzinowski đã chứng kiến các trường Đại học Việt Nam và Australia trao đổi 12 văn kiện, biên bản ghi nhớ về trao đổi sinh viên, giảng viên và hợp tác nghiên cứu, trao đổi học thuật; liên kết đào tạo trong trong các lĩnh vực như: giao thông vận tải, nông nghiệp, kỹ thuật, bách khoa.
Theo Lê Tuyết (VOV)