Nâng cao kỹ năng phòng chống bạo lực học đường cho học sinh
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ bạo lực học đường nghiêm trọng. Trước tình trạng này, các trường học chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, giúp học sinh tránh xa các nguy cơ dẫn đến bạo lực học đường.
Báo động
Thời gian gần đây, vấn nạn bạo lực học đường (BLHĐ) “nóng” lên sau nhiều vụ học sinh đánh nhau. Ngày 28.11, tại khu phố 4 (phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn) xảy ra vụ đánh nhau giữa nữ sinh còn mang đồng phục với một bạn gái khác đã bỏ học. Theo người dân, khi 1 trong 2 nạn nhân bị đánh đập thậm tệ, kéo tóc, kéo lê xung quanh… thì một nhóm học sinh khác bàng quan đứng xem, quay clip, thậm chí còn reo hò, cổ vũ.
Qua tìm hiểu, hai nữ sinh này có mâu thuẫn từ trước trong “lời ăn tiếng nói” trên mạng xã hội, dẫn đến đánh nhau. Sau khi được một số người vào can ngăn, dọa báo cho CA thì bạn gái kia mới chịu buông tha cho nữ sinh này, không quên “nhắn nhủ” sẽ bị đánh tiếp.
Trước đó, ngày 8.11, trên Facebook xuất hiện clip dài hơn 1 phút ghi lại cảnh một học sinh nữ của Trường THCS Ngô Văn Sở (TP Quy Nhơn) bị nhóm 3 bạn nữ dồn vào tường một căn phòng để hành hung. Trong đó, 1 em trực tiếp nắm tóc, đánh đập nạn nhân, em còn lại cầm điện thoại quay clip. Clip nói trên được chia sẻ trên mạng xã hội Facebook đã thu hút nhiều lượt chia sẻ, bình luận. Đến chiều cùng ngày, đoạn clip đã bị gỡ khỏi Facebook. Trước đó là sự việc nghiêm trọng xảy ra ở huyện Phù Mỹ.
Chị Nguyễn Thị Yến (ở phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn) cho rằng, những vụ BLHĐ xảy ra gần đây cho thấy tính chất rất nghiêm trọng, đáng báo động. Đặc biệt, ở một số vụ việc, nhiều em không can ngăn, mà còn hùa vào vô tư quay, phát tán clip lên mạng xã hội. Điều này cho thấy sự lệch lạc trong suy nghĩ, hành động của học sinh hiện nay rất cần được giáo dục, chấn chỉnh.
Giáo dục ý thức, hình thành kỹ năng
Những năm gần đây, tại Trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Tây Sơn) chỉ xảy ra những mâu thuẫn nhỏ giữa học sinh, không có các vụ việc BLHĐ. Để làm tốt công tác phòng, chống BLHĐ, nhà trường đã chủ động phân công rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nghiêm cấm giáo viên dùng bạo lực với học sinh dưới bất kỳ hình thức nào.
Từ năm 2018 đến nay, nhà trường duy trì hiệu quả Ban tư vấn tâm lý học đường với sự tham gia của các giáo viên chủ nhiệm trong toàn trường. Ban tư vấn có nhiệm vụ tư vấn tâm lý theo lứa tuổi, giới tính; tư vấn, giáo dục kỹ năng ứng xử văn hóa; xây dựng môi trường giáo dục an toàn; tư vấn khả năng ứng phó, giải quyết vấn đề phát sinh trong mối quan hệ gia đình, thầy cô, bạn bè và xã hội…
Thầy cô Ban Tư vấn tâm lý học đường Trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Tây Sơn) ghi nhận và giải đáp thắc mắc tâm lý cho các học sinh. Ảnh: D.Đ
Lê Thanh Điệp, học sinh lớp 12A2, cho biết đã có lúc em bị áp lực liên quan đến một mâu thuẫn nhỏ với một bạn khác lớp, em đã tìm đến Ban tư vấn tâm lý học đường. Được thầy cô hướng dẫn, em đã giải quyết được khúc mắc trong lòng; biết cách xử lý tốt nhất với bạn, tránh dẫn đến đánh nhau không đáng có.
Theo cô Quách Nguyễn Huyền Trân, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ, để phòng ngừa BLHĐ, đầu năm học mới, Ban Giám hiệu tổ chức ký cam kết phối hợp giữa gia đình và nhà trường; Đoàn trường cho học sinh ký cam kết xây dựng lớp học “An toàn về ANTT”; tổ chức tuyên truyền, diễn đàn về phòng, chống BLHĐ. Ngoài ra, nhà trường tăng cường công tác quản lý học sinh bằng hệ thống camera an ninh.
Tại Trường THPT Quốc học Quy Nhơn, đầu mỗi năm học, Đoàn trường đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, nhất là diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - nói không với BLHĐ”, giúp học sinh hình thành kỹ năng sống cần thiết, xác định rõ những việc nên làm, được làm và bị cấm trong môi trường học đường.
Theo anh Đinh Chí Công, Trưởng Ban Thanh thiếu nhi - Trường học (Tỉnh đoàn), việc triển khai các mô hình phòng, chống BLHĐ của các trường học trong thời gian qua đã góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và thân thiện. Tuy nhiên, để ngăn chặn BLHĐ, ngoài việc lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục đạo đức, lối sống vào chương trình môn học, các trường học cũng cần trang bị cho học sinh các kỹ năng sống, đặc biệt là kỹ năng về quản lý cảm xúc, ứng xử, giải quyết mâu thuẫn, cách ứng xử trên mạng xã hội.
“Đồng thời, tạo cho các em nhiều sân chơi, hoạt động lành mạnh và phù hợp với lứa tuổi, giúp học sinh nhận thức được bài học về lòng nhân ái, bao dung, sự tôn trọng và trách nhiệm của bản thân với những người xung quanh. Từ đó, giúp các em tự ý thức được hành vi, điều chỉnh thái độ và hành động, tránh dẫn đến BLHĐ”, anh Công cho hay.
DUY ĐĂNG