Tìm hướng bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật tuồng
(BĐ) - Trong khuôn khổ hoạt động gặp gỡ, giao lưu, nghiên cứu, biểu diễn tìm hướng bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống giữa tỉnh Bình Định và TP Hồ Chí Minh, chiều 3.12, Sở VH&TT tỉnh phối hợp Sở VH&TT TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật tuồng (hát bội), với sự tham gia của lãnh đạo, cán bộ quản lý văn hóa, nhà nghiên cứu, chuyên gia văn hóa, nghệ sĩ tuồng của hai địa phương.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH&TT, cho biết: Nghệ thuật tuồng từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần, là di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của dân tộc Việt Nam. Tỉnh Bình Định cũng như TP Hồ Chí Minh đã quan tâm đầu tư nguồn lực đáng kể góp phần làm cho loại hình nghệ thuật tuồng được duy trì, phát triển. Việc gặp gỡ, giao lưu lần này là tiền đề cho sự kết nối, hợp tác lâu dài giữa ngành Văn hóa hai địa phương cùng chung tay bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể.
Đồng chủ trì Hội nghị, NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH&TT TP Hồ Chí Minh, bày tỏ: TP Hồ Chí Minh được xem là điểm đến hội tụ, kết tinh và nuôi dưỡng các loại hình văn hóa nghệ thuật từ khắp mọi miền Tổ quốc; trong đó, có nghệ thuật tuồng - loại hình sân khấu cổ điển của Việt Nam - được danh nhân văn hoá Đào Tấn đưa lên đến giai đoạn cực thịnh ở miền Trung vào thế kỷ thứ XIV và du nhập vào miền Nam theo các bậc tiền nhân trên con đường mở mang bờ cõi. Thông qua hoạt động lần này, ngành Văn hóa hai địa phương sẽ có thêm cơ sở để đánh giá khách quan, toàn diện hơn về thành tựu phát triển của nghệ thuật tuồng, rút ra những kinh nghiệm, khắc phục khó khăn để bảo tồn, phát triển nghệ thuật tuồng trong thời hội nhập.
Biểu diễn các trích đoạn tuồng giao lưu tại Hội nghị. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Tại Hội nghị, lãnh đạo, chuyên gia ngành Văn hóa, các nghệ sĩ, nghệ nhân tuồng của hai địa phương đã cùng tọa đàm, thảo luận tìm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, quảng bá phát huy nghệ thuật tuồng, như: Chia sẻ kinh nghiệm về công tác quản lý; ban hành cơ chế đặc thù để đào tạo lớp trẻ theo nghề tuồng, khuyến khích các đoàn tuồng không chuyên hoạt động; đa dạng các kịch mục, chương trình biểu diễn tuồng gắn với phục vụ các tour du lịch nhằm đưa nghệ thuật tuồng đến gần hơn với công chúng…
Dịp này, lãnh đạo, các chuyên gia ngành Văn hóa, nghệ sĩ tuồng của hai địa phương cùng tham quan Quảng trường Nguyễn Tất Thành, Bảo tàng Quang Trung, Đền thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn; trưng bày giới thiệu ảnh tư liệu, phục trang, đạo cụ, mặt nạ tuồng, nghệ thuật hóa trang, nhạc cụ dân tộc; biểu diễn các trích đoạn tuồng, giao lưu võ thuật của Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định và Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP Hồ Chí Minh, Liên đoàn võ cổ truyền TP Hồ Chí Minh và Trung tâm Võ cổ truyền Bình Định.
NGỌC NHUẬN