Gắng sức và lan tỏa
Góp sức vào sự phát triển của hợp tác xã, các nữ lãnh đạo vượt nhiều định kiến, thử thách để khẳng định năng lực, giá trị bản thân. Dùng hành động thay lời nói, chị em từng bước chứng minh phụ nữ hoàn toàn có thể đứng vững trên thương trường, truyền cảm hứng cho nhiều người cùng cố gắng.
Nỗ lực vượt định kiến
Khi lựa chọn tham gia vào mô hình HTX, lãnh đạo nữ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong quản lý, điều hành.
Đảm nhiệm chức vụ Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Ngọc An (TX Hoài Nhơn) khi mới ngoài 30 tuổi, bên cạnh những lời động viên, cổ vũ, chị Lê Thị Kim Nhường thường xuyên đối mặt với định kiến phụ nữ không giỏi kinh doanh, chỉ có thể lo việc nội trợ.
Chị Nhường (bên phải) tích cực quảng bá sản phẩm của HTX Nông nghiệp Ngọc An tại các hội chợ. Ảnh: NVCC
Chị Nhường bày tỏ: “Trong quá trình làm việc với đối tác, tôi gặp một số định kiến về giới. Họ lo ngại khi tôi đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề, đôi khi ý kiến của tôi không được xem trọng. Dường như họ chưa tin rằng phụ nữ có đủ khả năng giải quyết công việc tốt như nam giới”.
Định kiến ấy khiến chị áp lực hơn, tạo ra một số khó khăn nhất định. Nhưng thay vì bỏ cuộc, chị quyết tâm dùng hành động để chứng minh năng lực. Chị Nhường tham gia các cuộc họp, tận dụng các buổi tập huấn để trò chuyện, rút ngắn khoảng cách với xã viên; trực tiếp chọn giống lúa, cung cấp vật tư, phục vụ bà con xuống đồng; sẵn sàng dùng ngày nghỉ để giải quyết công việc trong đợt cao điểm. Trong mùa dịch Covid-19, chị xin tham gia các lớp học online do Sở Công Thương phối hợp với Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức để biết cách mở rộng thêm kênh bán hàng, quảng bá sản phẩm tốt hơn trên các nền tảng kinh doanh trực tuyến.
Tương tự, chị Mai Thị Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Hương Thanh (xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn) cũng dùng hành động thực tế để vượt qua định kiến.
Chị Hương kiểm tra sản phẩm tại cửa hàng bày bán thực phẩm khô thuộc HTX Hương Thanh. Ảnh: D.L
Ngay sau khi thành lập HTX vào cuối năm 2019, cơn bão Covid-19 ập đến khiến nhà hàng thuộc HTX tạm ngừng hoạt động, dẫn đến khó khăn về tài chính. Khi đó, chị Hương quyết định tập trung vào mảng thực phẩm khô, cho ra đời hơn 10 loại sản phẩm. Song song với việc kịp thời thay đổi để phù hợp với điều kiện thực tế, chị còn tạo điều kiện cho các lao động ở HTX không bị mất việc làm.
Là một trong những lao động gắn bó với HTX kể từ khi thành lập, chị Ngô Thị Mộng Hằng (ở thôn Lý Hưng, xã Nhơn Lý) tâm sự: Tôi vốn là phụ bếp nhưng khi nhà hàng ngưng hoạt động bởi dịch, chị Hương đã điều tôi sang vị trí giới thiệu, bán các mặt hàng khô để tôi không phải thất nghiệp. Suốt thời gian làm việc tại đây, tôi cùng các lao động khác được chị tạo điều kiện học hỏi, thu nhập hằng tháng ổn định hơn so với trước khi vào làm ở HTX.
Nhờ nỗ lực không ngừng của chị Hương, HTX Hương Thanh đứng vững trước khó khăn từ dịch Covid-19 và dần phát triển. “Trước đây, phụ nữ không có nhiều điều kiện để thể hiện bản thân. Ngày nay, chúng tôi được tiếp cận với nhiều cơ hội hơn; việc khẳng định năng lực làm chủ kinh tế, không kể giới hạn về độ tuổi, giới tính là nhu cầu chính đáng”, chị Hương bày tỏ.
Dấu ấn của phái đẹp
Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, các chị để lại những dấu ấn nhất định trong quá trình phát triển của HTX.
Từng làm việc ở nhiều bộ phận khác nhau trước khi trở thành lãnh đạo HTX, chị Nhường có kinh nghiệm trong việc dung hòa tính cách, lợi ích giữa các thành viên. Chị cũng hiểu rõ, trong những việc cần dùng sức, nữ giới không lợi thế bằng nam giới. Do đó, với vai trò quản lý, điều hành việc sản xuất, chị luôn tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn; đồng thời phát huy sự tỉ mỉ, cẩn thận, chu đáo của phụ nữ trong xây dựng các kế hoạch. Nhờ đó, chị nhiều lần được LĐLĐ các cấp tuyên dương, khen thưởng vì những đóng góp, sáng tạo trong quá trình làm việc.
Ngay từ khi thành lập HTX Hương Thanh, với tình yêu, tâm huyết dành cho nước mắm truyền thống, chị Hương lựa chọn việc chế biến sản phẩm theo phương pháp thủ công, tự tay lựa chọn nguyên liệu và giám sát quy trình chế biến. Nhờ đó, sản phẩm này được công nhận là OCOP 3 sao. Ngay sau đó, năm 2020, 4 sản phẩm khác của HTX do chị làm chủ (gồm mắm ruốc, mực 1 nắng, cá cơm khô, ruốc khô) cũng đều đạt OCOP 3 sao.
Không dừng lại ở đó, dù gặp một số khó khăn về quỹ đất, nhưng chị Hương vẫn kiên trì với hướng đi hiện tại bởi mong muốn quảng bá sản phẩm địa phương, phát huy giá trị sản phẩm truyền thống. “Tôi đang tìm kiếm khoảng đất rộng, phù hợp để mở rộng quy mô sản xuất; đồng thời xây dựng mô hình làm nước mắm thủ công cho học sinh tham quan miễn phí. Như vậy, các em sẽ hiểu và trân quý hơn nét đẹp truyền thống của quê hương. Nếu các bạn trẻ đủ đam mê, tôi sẵn sàng truyền nghề”, chị Hương tâm sự.
DƯƠNG LINH