Tiếp sức cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi
Đến nay, chương trình cho vay theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển KT-XH tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn 1, từ năm 2021 đến năm 2025) đã góp phần giúp người dân vùng cao ổn định cuộc sống, phát triển sinh kế, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Theo Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Nguyễn Thị Thảo Vi, tổng nguồn vốn Trung ương phân bổ để Chi nhánh triển khai cho vay theo Nghị định 28 trong năm 2022 là 37,5 tỷ đồng. Đến cuối tháng 11.2022, Chi nhánh đã giải ngân hơn 36 tỷ đồng với 722 hộ vay, đạt tỷ lệ giải ngân 96,3%, tập trung vào 3 chương trình: Cho vay hỗ trợ chuyển đổi nghề; cải tạo, sửa chữa nhà ở; hỗ trợ đất ở.
Được phân bổ 3 tỷ đồng để thực hiện chương trình cho vay hỗ trợ cải tạo, xây nhà ở, đến nay, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Vân Canh đã hoàn tất việc giải ngân cho 75 hộ dân tộc thiểu số nghèo với mức vay 40 triệu đồng/hộ. Chị Đinh Thị Bông (28 tuổi, dân tộc Chăm, ở thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh) là một trong 75 hộ được hỗ trợ từ chương trình này. Chị Bông kể: “Nhà cũ của tôi là nhà sàn, cất từ 12 năm trước nên đã dột, xuống cấp. Được tạo điều kiện vay vốn, cùng với tiền dành dụm, tôi mượn thêm anh chị em để cất nhà. Đến nay, nhà đã hoàn thành được một tháng. Mấy đợt mưa gió vừa rồi, tôi yên tâm, vui mừng khi các con ở trong nhà an toàn, khô ráo. Điều kiện kinh tế có hạn nên vợ chồng tôi chỉ lo cho xong ngôi nhà, chưa mua sắm gì hết.
Được phân bổ 15 tỷ đồng để thực hiện cho vay theo Nghị định 28, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Thạnh tập trung vào 2 chương trình cho vay: Hỗ trợ về nhà ở, hỗ trợ chuyển đổi nghề. Đến cuối tháng 11.2022, đã có 169 hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề, phát triển sinh kế, 8 hộ được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở với tổng số tiền gần 13,6 tỷ đồng.
Vừa qua, anh Đinh Văn Ngọc (32 tuổi, dân tộc Bana, ở xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh) đã được hỗ trợ vay vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Thạnh để thực hiện chuyển đổi nghề, phát triển sinh kế. Với số tiền vay 90 triệu đồng, gia đình anh mua 3 con bò, sơn sửa lại chuồng trại. Trước đó, vợ chồng anh đã bán 2 con bò để đầu tư mua cây keo giống.
Từ vốn vay Nghị định 28, anh Đinh Văn Ngọc mua 3 con bò để phát triển chăn nuôi. Ảnh: Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Thạnh
“Tôi vay vốn để làm ăn nên cũng rất mạnh dạn và tự tin. Bởi, mình chịu khó lao động, có rừng, có vật nuôi, từ từ sẽ trả tiền gốc lẫn lãi theo đúng quy định. Hơn nữa, đây là chương trình vay của Nhà nước hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có lãi suất thấp, mình cần tranh thủ, sử dụng vốn đúng mục đích để thay đổi cuộc sống, kinh tế khá hơn, còn lo cho con cái nữa”, anh Ngọc nói.
Các huyện Tây Sơn, Hoài Ân, An Lão cũng đã hoàn thành giải ngân vốn vay Nghị định 28 năm 2022 theo kế hoạch phân bổ. Để có được kết quả này, các địa phương đã khẩn trương thực hiện theo chỉ đạo Ban đại diện Hội đồng quản trị Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, hướng dẫn của Ngân hàng CSXH Trung ương, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh.
Ông Lê Văn Quy, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện An Lão cho biết thêm: Phòng Giao dịch đã nhanh chóng tham mưu UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo. Đồng thời phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, UBND các xã, thị trấn, Phòng Dân tộc huyện rà soát đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng, tham mưu UBND huyện ban hành quyết định phê duyệt danh sách các hộ đủ điều kiện hưởng chính sách. Đây là chính sách có ý nghĩa thiết thực đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, đặc biệt là trong giai đoạn vừa bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.
Hiện nay, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH các huyện đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, cấp ủy, chính quyền cấp xã trên địa bàn giám sát việc sử dụng vốn vay của hộ vay; rà soát, chuẩn bị danh sách hộ có nhu cầu vay vốn, đủ điều kiện vay vốn cho những năm tiếp theo. Qua đó, tiếp tục nỗ lực đưa chính sách đi vào đời sống, trở thành “bà đỡ” cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi vươn lên thoát nghèo, thay đổi cuộc sống.
NGUYỄN MUỘI