Xa quê, gửi nhớ vào thơ…
Hơn 35 năm gắn bó với vùng đất Bình Định, Quế Anh xem đây là quê hương của anh với ắp đầy kỷ niệm. Bẵng đi hơn mười năm định cư nơi đất khách, khi trở về, mỗi bước đi như anh tâm sự “ran nóng gan bàn chân tôi vì niềm xúc động”. Những ngày sống xa quê, mỗi lần ai đó gặng hỏi khi thấy anh đăm chiêu dõi mắt về phương xa, anh chỉ cười: “Nhớ chốn quê nhà”.
Xưa, Phùng Quán viết: “Có những phút ngã lòng/ Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Ừ, may mà còn có thơ. Nên trong những tháng ngày biền biệt, Quế Anh đã chọn thơ để trao gửi nỗi niềm, gửi nhớ vào thơ…
1.
Quế Anh là bút danh của NSƯT Cao Trọng Quế. Anh sinh năm 1954, quê gốc ở Nghệ An nhưng thời gian làm việc ở Nhà hát Tuồng Đào Tấn (nay là Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Bình Định) dài đến mức anh thành dân xứ Nẫu như bạn bè hay đùa “Nẫu đến từng hồng huyết cầu”.
Nhà thơ Quế Anh (thứ 2, từ trái sang) cùng bạn thơ tại buổi ra mắt sách. Ảnh: V. PHI
Trò chuyện với tôi, anh trải lòng: Tôi yêu thơ, làm thơ từ những năm 80 của thế kỷ trước, từ năm 2010 khi qua Mỹ định cư tôi sáng tác nhiều hơn. Chủ đề mà tôi quan tâm nhiều nhất là tình yêu và nỗi nhớ quê nhà. Có lần, một người bạn thơ ở Atlanta hỏi tôi: Anh có vẻ buồn, có phải mới qua nhớ nhà, nhớ người cũ lắm phải không? Tôi nói: “Đúng!” và liền làm mấy câu: “Ta là kẻ lãng du miền viễn xứ/ Bỏ sau lưng những được mất hơn thua/ Ngựa quá vãng còn cất cao tiếng hý/ Yêu trăng nghiêng thích hoa nở trái mùa”.
Năm 2018, Quế Anh ra mắt tập thơ đầu tay - Tiếng mùa. Và ngay năm sau, anh tiếp tục in tập thơ thứ 2 - Mai về giũ bụi đường xa. Thơ anh đa dạng đề tài, nhưng phần lớn sáng tác của anh dành cho quê hương và tình yêu. Có khi, Quế Anh tái dựng lại hình ảnh nhân vật trữ tình bằng sự hiện hữu cụ thể của nụ cười, ánh mắt. “Bỗng dưng/ “chén rượu cuộc cờ”/ Đưa ta/ vào cõi mơ hồ bấy nay/ Không là men rượu mà say/ Âm binh tướng sĩ hồ đầy sa chân/ Không là ma mị dương trần/ Mà ta,/ người ngựa thất thần chào thua./ Thì ra/ sau buổi lễ chùa/ Bỏ quên đôi mắt em bùa ngải tôi!” (Tại vì đâu?). Vẫn vậy và càng về sau, anh dày thêm suy nghiệm: “Em từ/ trong mộng bước ra/ Rơi theo làn gió/ nụ hoa tháng mười/ Ta đi/ gần trọn cuộc người/ Lại về trú ngụ nụ cười em xưa!” (Nụ yêu).
2.
Sau tập thơ Tiếng mùa, đầu tháng 11.2022, Quế Anh ra mắt bạn đọc tập thơ Giữ mãi hương quê. Thơ bồi đắp tâm hồn để yêu thương nhiều hơn, để rọi thấu vào ngóc ngách thẳm sâu tâm hồn mỗi người, để khẽ khàng những trang nhật ký cảm xúc tháng năm... Suốt dọc dài tháng năm xa quê, những ảnh hình ấy càng hiện diện nhiều, làm dày thêm những thi ảnh trong thơ Quế Anh.
Giữ mãi hương quê - tập thơ vừa được xuất bản của nhà thơ Quế Anh. Ảnh: V. PHI
Anh viết để chia sẻ với bạn hữu thân tình, với đồng nghiệp cũ, với những người mà anh quý trọng thân thương. “Anh đâu biết rằng sau buổi chia ly/ Câu hát tiễn nhau còn vọng hoài nơi cố quận/ Em vẫn xiêm y, vẫn má đào son phấn/ Vẫn rực rỡ hoàng cung khắp chốn hý trường// Ngần ấy năm rồi, ta làm khách ly hương/ Đau đáu nỗi niềm đợi một ngày hạnh ngộ/ Để lại gặp em ngày xưa đầu phố nhỏ/ Em hát ta đàn câu Xuân Luỵ hợp tan” (Gửi em).
3.
Quế Anh chia sẻ nhiều về chuyện trở lại Bình Định. Nỗi khắc khoải ấy luôn khiến anh mong ngóng tìm về, dù là tìm về trong hoài niệm, trong trí tưởng. “Mai ta về, yêu thương làm rượu ngọt/ Uống cho say chếnh choáng với mâm đời/ Hãy thật lắng trong tận cùng thánh thót/ Cho bổng trầm xuân mộng dậy bờ môi...!” (Say).
Thơ Quế Anh hầu hết theo lối thơ truyền thống, không chủ ý tìm tòi hình thức thể hiện, đổi mới hay lạ hóa ngôn từ mà chỉ khẽ khàng những câu từ mộc mạc. Gắn bó với đất Bình Định từ năm 1975 đến 2010, Bình Định là nơi anh khởi nghiệp, sinh sống. Và nghiễm nhiên, anh chọn nơi đây để tổ chức chương trình giới thiệu cả 3 tác phẩm của mình.
Ngày 27.11, tại Tuy Phước-quê hương của hậu tổ tuồng Đào Tấn, nhà thơ Quế Anh đã tổ chức chương trình giới thiệu tác phẩm. Trong không khí ấm cúng, thân tình ngày hạnh ngộ với sự góp mặt của nhiều bạn văn và người yêu thơ, nhà thơ bồi hồi chia sẻ cảm xúc khi trở lại quê nhà và giới thiệu tác phẩm đến bè bạn. Anh thổ lộ: “Hơn mười năm trở về, Bình Định nay khác quá. Phố xá khang trang, hiện đại. Làng quê cũng tươi mới hơn. Tôi thấy mừng trước sự đổi mới của quê hương. Và hạnh phúc khi được trở lại nơi mình gắn bó cả thời tuổi trẻ. Bình Định đã cho tôi quá nhiều kỷ niệm, nơi đây vừa là đất “dụng võ” nghệ thuật Tuồng mà tôi gắn bó gần 40 năm, vừa là quê vợ tôi - người từng là diễn viên của Đoàn Tuồng Tây Sơn được tuyển chọn về Đoàn Tuồng Nghĩa Bình vào năm 1976. Suốt nhiều năm qua, tôi luôn ấp ủ việc thực hiện ra mắt sách, hội tụ bè bạn trên chính vùng đất này. Và giờ, sau bao năm, điều ấy đã thành hiện thực…”.
VÂN PHI