Tăng cường công tác chăm sóc, phát triển dân số
Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam, Bình Ðịnh có kế hoạch tổ chức các hoạt động truyền thông với chủ đề “Nâng cao chất lượng dân số để phát triển đất nước nhanh và bền vững”. Phóng viên Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGÐ, xung quanh công tác chăm sóc, phát triển dân số trên địa bàn tỉnh.
● Thưa ông, mục đích hoạt động truyền thông của Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam tại tỉnh Bình Định là gì?
- Mục đích của Tháng hành động quốc gia về Dân số (tháng 12) và Ngày Dân số Việt Nam (26.12) là tăng cường các hoạt động truyền thông về công tác dân số theo tinh thần của Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 và các chương trình, kế hoạch đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh phê duyệt. Qua đó, tạo sự ủng hộ của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đồng thuận của dư luận xã hội; động viên các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia thực hiện chương trình dân số và phát triển.
Phòng Dân số (TTYT huyện Phù Mỹ) phối hợp Trạm Y tế xã Mỹ Đức tổ chức tuyên truyền về sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh. Ảnh: Đ. THẢO
Tháng Hành động quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam năm 2022 với chủ đề “Nâng cao chất lượng dân số để phát triển đất nước nhanh và bền vững”, ngoài phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, chúng tôi còn truyền thông trực tiếp dưới nhiều hình thức, như: Tuyên truyền nhóm nhỏ, nói chuyện chuyên đề, tư vấn tại hộ gia đình, sinh hoạt CLB, giao lưu, tọa đàm... cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau tại cơ sở; lồng ghép tổ chức Tháng Hành động quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam với Tổng kết đánh giá công tác Dân số năm 2022.
● Với chủ đề như vậy, ngành DS - KHHGĐ tập trung tuyên truyền vào những nội dung gì, thưa ông?
- Chúng tôi tập trung tuyên truyền, vận động mọi thanh niên trước khi kết hôn nên đến các cơ sở y tế để tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân, nhất là các đối tượng có nguy cơ cao. Nâng cao nhận thức của người dân về tác hại, hệ lụy của việc tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, lợi ích và tầm quan trọng của việc thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh, qua đó nâng cao nhận thức và vận động người dân tự nguyện tham gia.
Cung cấp các kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục để phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hiểu biết và phòng tránh thai an toàn; tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để đảm bảo vị thành niên, thanh niên, công nhân các khu công nghiệp tiếp cận tốt hơn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và KHHGĐ. Truyền thông về già hóa dân số và đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Ngoài ra, chúng tôi tập trung tuyên truyền về các vấn đề như: Người cao tuổi cần được quản lý sức khỏe, được khám, chữa bệnh, được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung; các giải pháp phát huy lợi thế của cơ cấu dân số vàng...
Phòng Dân số (TTYT huyện Hoài Ân) phối hợp với Trạm Y tế xã Bok Tới tổ chức tuyên truyền về sức khỏe người cao tuổi. Ảnh: Đ. THẢO
● Từ những thành tựu rất đáng kể mà ngành DS - KHHGĐ đã đạt được trong thời gian qua, thời gian đến, ngành sẽ đề ra những hoạt động gì để tiếp tục nâng cao chất lượng dân số, thưa ông?
- Có thể nói thành tựu đạt được nhờ sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo các cấp, sự phối hợp có trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể; đặc biệt là cả hệ thống y tế - dân số tỉnh Bình Định đã tích cực triển khai nhiều hoạt động với cố gắng liên tục.
Tại Quyết định 588/QĐ-TTg ngày 28.4.2020 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030”, theo đó tỉnh Bình Định là 1 trong 9 tỉnh, thành phố trong vùng đạt mức sinh thay thế. Tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 70%. Tỉnh Bình Định cũng khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh giảm dần về mức cân bằng tự nhiên vào năm 2025 là dưới 110 trẻ em trai/100 trẻ em gái (năm 2022, dự kiến tỷ số giới tính khi sinh là 109 trẻ em trai/100 trẻ em gái).
Các hoạt động cung cấp dịch vụ về tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sơ sinh đã triển khai rộng khắp trong toàn tỉnh. Tuổi thọ trung bình của người dân Bình Định được cải thiện rõ rệt, năm 2009 là 71,9 tuổi, đến năm 2019 tăng lên 73,5 tuổi (qua 10 năm tuổi thọ tăng lên 1,6 tuổi). Từ năm 2016 đến nay không xảy ra tình trạng hôn nhân cận huyết thống.
Trọng tâm từ nay đến năm 2025, ngành DS - KHHGĐ duy trì thành tựu về công tác dân số đã đạt được và từng bước triển khai các chương trình, kế hoạch được các cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. Cùng với đó là huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nhà nước, các tổ chức và cá nhân để thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ về công tác dân số; tăng cường các hoạt động truyền thông vận động...
ĐỖ THẢO (Thực hiện)