Chuyên gia cảnh báo việc phụ huynh lạm dụng thuốc kháng sinh cho trẻ
Phó Chủ tịch Hội hô hấp Nhi Việt Nam phân tích nhiều phụ huynh coi kháng sinh như một loại thuốc tiên, nếu lạm dụng sử dụng như vậy thì dự báo cuối thế kỷ 21 sẽ là ngày tận số của kháng sinh.
Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng - Phó Chủ tịch Hội hô hấp Nhi Việt Nam khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên lạm dụng kháng sinh. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng - Phó Chủ tịch Hội hô hấp Nhi Việt Nam, Ủy viên Hội đồng tư vấn Bệnh viện Phổi trẻ em Thế giới, Nguyên Trưởng Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo các bậc cha mẹ không nên lạm dụng dùng kháng sinh cho trẻ nhỏ mà hãy tập làm quen với việc nuôi trẻ không kháng sinh.
Tại sự kiện “The Queen's Day - Mẹ chọn tốt nhất” diễn ra chiều 4.12 tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội hô hấp Nhi Việt Nam phân tích: “Có nhiều phụ huynh coi kháng sinh như một loại thuốc tiên. Có người khi thấy con ốm như ho, sốt, sổ mũi liền chạy ra các hiệu thuốc kể bệnh và mua kháng sinh cho trẻ. Nếu chúng ta sử dụng kháng sinh như vậy thì đến cuối thế kỷ 21 sẽ là ngày tận số của kháng sinh”.
Theo bác sỹ Dũng, một khi xảy ra tình trạng kháng kháng sinh sẽ rất nguy hiểm. Bởi kháng kháng sinh xảy ra khi vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng kháng lại tác dụng của thuốc, làm cho các bệnh nhiễm trùng thông thường khó điều trị hơn và tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong. Do vậy, mỗi người và mỗi bậc cha mẹ cần thay đổi cách sử dụng kháng sinh sao cho an toàn và hợp lý.
Thống kê cho thấy ho, sốt là các bệnh hay được các bậc phụ huynh dùng kháng sinh nhất. Trong công tác điều trị, bệnh đường hô hấp đã sử dụng 50% kháng sinh trong tổng số tất cả các loại kháng sinh, vì vậy cần sử dụng kháng sinh cần đúng và chỉ sử dụng kháng sinh khi bệnh đó là do vi khuẩn gây ra.
“Tôi đặc biệt lưu ý các bậc phụ huynh không thể nào tự dùng kháng sinh, kể cả dược sỹ mà phải để bác sỹ khi khám bệnh xong thấy bệnh viêm họng do vi khuẩn khi đó sử dụng kháng sinh mới có tác dụng. Nếu cháu nào ho, sốt, đau họng mà ho càng nhiều không phải do vi khuẩn, chảy mũi càng nhiều không phải do vi khuẩn và không phải dùng kháng sinh. Chúng tôi tổng hợp lại, nếu một trẻ bị ho sốt, trong đó 10 lần bị ho sốt chỉ có 1-2 lần là do vi khuẩn và phải dùng kháng sinh. Phụ huynh nào 4-5 lần sử dụng kháng sinh cho con là đã lạm dụng kháng sinh”, Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, sử dụng kháng sinh quá liều lượng và sai cách ở người là nguyên nhân chính dẫn đến sự phát triển của các chủng vi sinh vật kháng thuốc. Kháng sinh diệt vi khuẩn, nhưng không thể tiêu diệt các mầm bệnh virus gây cảm lạnh hoặc cúm. Kháng sinh thường xuyên được kê đơn để điều trị những căn bệnh đó một cách không chính xác hoặc được sử dụng mà không có sự giám sát y tế thích hợp sẽ gây ra tình trạng kháng kháng sinh ngày càng gia tăng.
Do vậy, kháng kháng sinh là mối đe dọa thực sự đối với sức khỏe cộng đồng và nếu mỗi người không tăng cường nỗ lực để giải quyết vấn đề này, chúng ta sẽ nhanh chóng tiến tới một thế giới mà những bệnh nhiễm trùng thông thường không thể điều trị được và phẫu thuật thông thường có rủi ro cao vì nguy cơ nhiễm trùng khó kiểm soát hơn nhiều.
Vì vậy, phó giáo sư Dũng lưu ý các phụ huynh trong hành trình chăm sóc sức khoẻ cho con trẻ cần hiểu rõ các lưu ý sử dụng kháng sinh, đặc biệt trong các trường hợp mắc bệnh hô hấp đúng và an toàn và hiệu quả.
Theo Thùy Giang (Vietnam+)