Lãnh đạo UBND tỉnh tiếp Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh
(BĐ) - Sáng 5.12, tại trụ sở UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn chủ trì buổi tiếp xã giao ông Madan Mohan Sethi - Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các Sở: Ngoại vụ, KH&ĐT, Công Thương, VH&TT, Trường ĐH Quy Nhơn.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn tiếp xã giao Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh Madan Mohan Sethi tại trụ sở UBND tỉnh. Ảnh: T.LỢI
Trên tinh thần cởi mở, trọng thị, ông Madan Mohan Sethi gởi lời cảm ơn đến UBND tỉnh và Sở VH&TT đã phối hợp với Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh tổ chức thành công chương trình biểu diễn giao lưu văn hóa nghệ thuật Việt Nam - Ấn Độ.
Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh cho biết thêm: Sau khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, các chuyến bay giữa hai nước Việt Nam - Ấn Độ đã từng bước phục hồi, mở rộng nhiều hơn; tạo nhiều thuận lợi để hai nước hợp tác, xúc tiến đầu tư, phát triển KT-XH. Số lượng du khách từ Ấn Độ sang Việt Nam, trong đó có Bình Định để tham quan, du lịch vì thế cũng nhiều hơn.
“Ấn Độ - Việt Nam đã có mối quan hệ thân tình từ rất lâu, đang phát triển thuận lợi. Tôi tin Ấn Độ - Việt Nam sẽ hỗ trợ lẫn nhau trên tất cả các lĩnh vực. Tôi biết, trong thời điểm dịch Covid-19 diễn ra, Chính phủ hai nước đã có nhiều nỗ lực, tổ chức nhiều hội thảo trực tuyến, chương trình để hỗ trợ và xúc tiến các chương trình, kế hoạch đầu tư, phát triển kinh tế trong nhiều lĩnh vực, trong đó có công tác phòng, chống dịch Covid-19. Gần đây, 3 tỉnh Khánh Hòa, Bến Tre, Bình Dương đã cử đoàn đại biểu chính thức, có DN tháp tùng đến thăm, làm việc ở hai bang của Ấn Độ theo lời mời. Tại đây, họ đã những buổi gặp gỡ DN, lãnh đạo các bang để trao đổi, xúc tiến kế hoạch đầu tư theo các lĩnh vực liên quan”, ông Madan Mohan Sethi chia sẻ.
Trên cơ sở này, ông Madan Mohan Sethi gởi lời mời, mong muốn tỉnh Bình Định thành lập đoàn đại biểu, DN đến thăm, làm việc tại Ấn Độ. Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ, sắp xếp các cuộc họp, làm việc với đơn vị liên quan, nhất là khối nhà nước, tư nhân, DN, cơ quan hữu quan để các bên xây dựng kế hoạch, xúc tiến và đẩy mạnh hợp tác kinh tế, an sinh xã hội,… Đồng thời, khẳng định thị trường Ấn Độ rất tiềm năng, hiện có không ít DN Việt Nam đã sang Ấn Độ tìm kiếm cơ hội, đầu tư phát triển kinh tế. Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh sẵn sàng mời các DN Ấn Độ ở từng lĩnh vực phù hợp đến Bình Định tham gia các hội thảo đầu tư, xúc tiến đầu tư với DN ở địa phương và các tỉnh phụ cận.
“Giáo dục, y tế công là lĩnh vực mà Chính phủ Việt Nam - Ấn Độ đặc biệt quan tâm. Do vậy, tôi nghĩ Bình Định có thể hợp tác với Ấn Độ trong lĩnh vực này. Chẳng hạn, hai bên có thể cử học sinh, giảng viên, cán bộ… tham gia các chương trình đào tạo, trao đổi kỹ năng nghề nghiệp, chiến lược phát triển kinh tế… có liên quan. Mặt khác, du lịch cũng là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Hiện nay, dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, nên Việt Nam - Ấn Độ, trong đó có Bình Định cũng cần tổ chức các hội thảo xúc tiến du lịch”, ông Madan Mohan Sethi gợi mở thêm vấn đề.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn (bìa phải) trao quà lưu niệm cho ông Madan Mohan Sethi - Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: T.LỢI
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn hoan nghênh Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh và Đoàn nghệ sĩ múa cổ điển Ấn Độ đến thăm, giao lưu biểu diễn văn hóa nghệ thuật tại Bình Định. Đồng thời, đánh giá cao tinh thần hỗ trợ, hợp tác phát triển trên các lĩnh vực giữa Ấn Độ - Việt Nam thời gian qua. Trên cơ sở ý kiến đề bạt của ông Madan Mohan Sethi, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, năm 2023, tỉnh sẽ thiết lập đoàn công tác đi Ấn Độ.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cũng bày tỏ quan điểm đồng tình với ông Madan Mohan Sethi trong vấn đề đẩy mạnh xúc tiến du lịch dựa trên tiềm năng sẵn có của hai nước, cũng như ở Bình Định. Về hợp tác kinh tế, Bình Định có nhiều lợi thế mà Ấn Độ cần quan tâm, như trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo. Ấn Độ là quốc gia có kinh tế phát triển mạnh ở lĩnh vực này. Tương tự, lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa cũng vậy. Hiện nay, có khá nhiều nước ở châu Á và châu Âu đến Bình Định tìm cơ hội đầu tư, phát triển kinh tế. Hạ tầng của Bình Định hiện khá tốt, rất thuận lợi để các DN nước ngoài đầu tư, phát triển, trong đó có DN ở Ấn Độ. Từ lợi thế sẵn có, tỉnh đang chuẩn bị cho chiến lược phát triển kinh tế mới.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: Việt Nam và Ấn Độ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1972. Hai nước nâng cấp quan hệ từ đối tác chiến lược lên đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2016. Năm 2022 là cột mốc đánh dấu kỷ niệm 50 năm (1972 - 2022) thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ấn Độ. Trong quá khứ và hiện tại, Việt Nam là đối tác tin cậy với Ấn Độ; mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hỗ trợ và hợp tác phát triển kinh tế, xã hội… giữa hai nước rất sâu sắc, tốt đẹp. Đây là cơ hội thuận lợi để Việt Nam, trong đó có Bình Định và Ấn Độ tiếp tục mở rộng hơn nữa các chương trình hợp tác phát triển khác trên nhiều lĩnh vực.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn (người đứng thứ tư, bên phải) và ông Madan Mohan Sethi, Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh (người đứng thứ tư, bên trái), cùng đại diện lãnh đạo sở, ngành của tỉnh chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: T.LỢI
Tại Bình Định, hiện có 3 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) từ Ấn Độ, các dự án này đều của Tập đoàn Olam, bao gồm 2 dự án nhà máy thu mua, sản xuất, chế biến hạt điều với tổng vốn đầu tư 920.000 USD, 1 dự án nhà máy chế biến hạt dẻ và hạt óc chó với vốn đăng ký 1,63 triệu USD, cả 3 dự án đều đang hoạt động tại KCN Phú Tài. Nhân dịp này, Bình Định đề nghị Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục quan tâm, kết nối giới thiệu các DN Ấn Độ đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh; hỗ trợ xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch vào tỉnh Bình Định; tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa, giáo dục; góp phần củng cố, mở rộng quan hệ hợp tác giữa hai bên trong thời gian đến.
TRỌNG LỢI