NÂNG CAO TỶ LỆ TIÊM VẮC XIN PHÒNG COVID-19 Ở TP QUY NHƠN:
Phối hợp đồng bộ và trách nhiệm hơn nữa
Dù là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của Bình Định nhưng TP Quy Nhơn hiện lại thuộc nhóm những địa phương có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 thấp nhất tỉnh. Để cải thiện tình hình, nâng cao độ bao phủ, duy trì sự bảo vệ của vắc xin đối với mỗi người dân, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố đã đề ra nhiều giải pháp sớm khắc phục.
Số ca mắc bệnh lại tăng cao, 1 ca tử vong
Theo thống kê đến cuối tháng 10.2022, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 ở tất cả mũi tiêm của TP Quy Nhơn đều thấp hơn mặt bằng chung của tỉnh. Cụ thể, ở đối tượng 18 tuổi trở lên, tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại 1 chỉ mới đạt 53,9% (toàn tỉnh 60,4%), tỷ lệ mũi nhắc lại 2 là 60,5% (toàn tỉnh 76,2%). Tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại ở các trường hợp từ 12 - dưới 18 tuổi chỉ đạt 39,9% (toàn tỉnh 58,9%), tỷ lệ tiêm mũi 2 ở trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi chỉ đạt 39,7% (toàn tỉnh 64,3%).
Gần đây nhất, qua kết quả triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 177, một số phường, xã thực hiện tốt, đạt tỷ lệ cao hơn kế hoạch được giao, đó là phường Lê Lợi, Trần Hưng Đạo. Tuy nhiên một số phường, xã khác, tỷ lệ tiêm lại thấp đến bất ngờ như xã Phước Mỹ (12,2%), phường Thị Nại (17,5%), xã Nhơn Lý (21,7%).
Phường Lê Lợi là một trong những địa phương của TP Quy Nhơn có tỷ lệ tiêm vắc xin khá tốt. Ảnh: T. KHUY
Nói về lý do tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 tại TP Quy Nhơn thấp, ông Trần Kỳ Hậu, Giám đốc TTYT TP Quy Nhơn, cho hay: Hiện nay, do tình hình dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, phần lớn người dân đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin và đã bị nhiễm Covid-19 nên mọi người có tâm lý chủ quan, không tham gia tiêm mũi nhắc lại, hiểu chưa đúng về tác dụng phụ của vắc xin, làm ảnh hưởng đến kết quả tiêm vắc xin. Việc tiêm chủng cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi cũng gặp nhiều khó khăn do chưa nhận được sự đồng thuận của phụ huynh, khiến nhiều trẻ đã tiêm mũi 1 không tiêm mũi 2. Công tác tuyên truyền, vận động người dân đã được quan tâm thực hiện, nhưng chưa sâu rộng, nội dung chưa phân tích cụ thể vai trò của vắc xin nên chưa thay đổi được nhận thức, chưa tạo sự đồng thuận của người dân trong việc chủ động đi tiêm mũi nhắc lại. Tình trạng người dân đến tiêm chủng rất ít so với kế hoạch dẫn đến hao phí vắc xin trong buổi tiêm rất lớn, gây lãng phí.
Ông Trần Kỳ Hậu cũng lưu ý thêm: Miễn dịch tạo được do nhiễm bệnh sẽ giảm dần trong vòng 3 tháng và miễn dịch tạo được do tiêm chủng vắc xin cũng sẽ giảm dần trong vòng 6 tháng. Trong khi đó, hiện dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa kết thúc, TP Quy Nhơn vẫn liên tục ghi nhận số ca bệnh mắc mới (lũy kế đến nay là 42.473 ca bệnh). Riêng từ tháng 8.2022 đến nay số ca mắc bệnh lại tăng cao, chỉ trong tháng 11 (từ ngày 1 - 28.11) đã ghi nhận tới 23 ca, số ca phải điều trị tại bệnh viện là 17 ca (tỷ lệ 74%), có 1 ca tử vong tại phường Quang Trung.
Quán triệt lại tư tưởng, xác định lại mục tiêu, có kế hoạch cụ thể
Tỷ lệ tiêm vắc xin cho học sinh trên địa bàn TP Quy Nhơn thấp. Nói về điều này, bà Tô Thị Thu Hường, Trưởng Phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn, cho biết: Theo nhiệm vụ của Chủ tịch UBND thành phố giao, ngành GD&ĐT thành phố phụ trách công tác phối hợp tuyên truyền tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh. Để tuyên truyền, vận động phụ huynh đăng ký cho con tiêm vắc xin, Phòng GD&ĐT triển khai các văn bản cho hiệu trưởng nhà trường, đồng thời nhắc lại trong các cuộc trực báo hằng tháng, và liên tục nhắc trên group Zalo với các trường. Về phía các trường, giáo viên chủ nhiệm thông báo trong cuộc họp phụ huynh trong đầu năm học, nhà trường cũng tuyên truyền đến học sinh trong các buổi chào cờ đầu tuần. Tuy nhiên, bên cạnh các ý kiến đồng tình, nhiều phụ huynh cũng phản ứng khá gay gắt. Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả hơn, thời gian tới chúng tôi sẽ tích cực tìm ra cách tuyên truyền, vận động phù hợp hơn nữa.
Bên cạnh nhiều phường, xã có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 thấp thì các phường Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Nhơn Phú là các địa phương có tỷ lệ tiêm khá tốt. Bà Nguyễn Phạm Thanh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND phường Lê Lợi, chia sẻ: Mỗi khi có kế hoạch tiêm vắc xin, phường họp Ban Chỉ đạo rồi phân công về các khu phố. Trưởng các khu phố rất nhiệt tình và thông báo trực tiếp đến từng tổ dân phố và gửi lên group Zalo của tổ dân phố. Cùng với đó, đồng chí bí thư đảng ủy chỉ đạo cho các đồng chí đảng ủy viên phụ trách khu vực của mình theo dõi khu phố đó mỗi ngày tiêm được bao nhiêu. Chúng tôi cũng tập trung tuyên truyền trên loa phát thanh, các con hẻm nhỏ thì phường trang bị loa cầm tay tuyên truyền tới từng hẻm phố. Cùng với đó, chúng tôi động viên nhân viên trạm y tế cố gắng nhiệt tình hơn, chịu khó rà danh sách để gọi điện thoại từng người, hẹn giờ và chờ người dân đến để tiêm; đồng thời cũng tranh thủ truyền thông trực tiếp về những nguy cơ nếu mức độ miễn dịch cộng đồng sút giảm… Do vậy, nhân viên trạm y tế làm việc ngoài giờ khá nhiều.
Tại cuộc họp đánh giá tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 diễn ra vào ngày 30.11 do Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP Quy Nhơn tổ chức, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Dũng đã chỉ đạo các ngành liên quan, các địa phương tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền vận động bằng nhiều hình thức, phù hợp theo từng đối tượng, độ tuổi. Nội dung tuyên truyền phải ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, nhập tâm. Các xã, phường phải quán triệt lại tư tưởng, xác định lại mục tiêu, họp ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể để đạt được mục tiêu đã đưa ra. Cùng với đó, các địa phương và các ngành liên quan cần phối hợp đồng bộ và trách nhiệm hơn nữa. Việc tổ chức tiêm vắc xin phải linh hoạt, không chỉ tổ chức tại trạm y tế mà phải đưa điểm tiêm đến các trường, các DN và phải đảm bảo an toàn...
THẢO KHUY