Ngân vang giai điệu núi rừng
Trong Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh lần thứ XII - năm 2013 vừa diễn ra tại huyện Vân Canh, hàng ngàn người dự hội đã được thưởng thức “bức tranh hòa sắc” của những làn điệu dân ca, nhạc cụ, diễn tấu cồng chiêng độc đáo và mang đậm bản sắc riêng của từng dân tộc.
Hòa sắc giai điệu
Chương trình đoạt giải Nhất trong Liên hoan của đoàn Vĩnh Thạnh gây ấn tượng mạnh với các tiết mục hòa tấu và độc tấu nhạc cụ dân tộc. Những âm điệu réo rắt, mượt mà của đàn Plơng khơng thêm một lần nữa vang lên qua tiết mục độc tấu Cội nguồn của nghệ nhân Đinh Y Băng. Những tiết mục hát dân ca lời mới trên nền nhạc hòa tấu nhạc cụ như Lời thề non sông, Ý Đảng lòng dân; múa Kroong Bung vào hội đầy cuốn hút qua cách thể hiện sinh động và hấp dẫn.
Trong khi đó, chương trình của đoàn Vân Canh cuốn hút từ tiết mục mở màn - hát múa tập thể Vui hội đoàn kết - với những câu hát dân ca Chăm H’roi rộn ràng mời gọi: “Xa xa trai gái reo mừng làng ta vui đón hội. Ta nghe trái tim rộn ràng hòa nhịp tiếng cồng chiêng. Kơ toang tấu lên tưng bừng làng Chăm mời gọi bạn. Say sưa hát xoang tưng bừng vào hội Play ơi!..”. Tiết mục trống Kơ toang Thi tài ngày hội của các nghệ nhân người Chăm H’roi quyến rũ người xem bởi những đường nét biểu diễn đầy ngẫu hứng…
Chương trình của đoàn An Lão ghi dấu ở tiết mục tự biên trên làn điệu dân ca H’re như Chiều về bên dòng sông Đinh, Hát Ru con. Các nghệ nhân An Lão đã giới thiệu các nhạc cụ truyền thống độc đáo của đồng bào H’re qua tiếng đàn Preng đầy chất tự sự của các chàng trai; hay tiếng đàn Vin vút trầm bổng qua đôi tay dịu dàng, uyển chuyển của các cô gái… Chương trình của các đoàn Hoài Ân, Tây Sơn, Phù Cát cũng đã giới thiệu, tôn vinh những làn điệu dân ca, nhạc cụ đặc sắc của đồng bào dân tộc ở địa phương.
“Trong chương trình biểu diễn của các đoàn tham gia Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh lần thứ XII - năm 2013, lực lượng nòng cốt vẫn là các nghệ nhân lớn tuổi ........”
Giữa không gian mang đậm dấu ấn núi rừng, những chiêng 3, chiêng 5, chiêng 7, chiêng 15… với nhiều chương trình diễn tấu cồng chiêng có chất lượng cao như Tiếng cồng đêm hội (Vĩnh Thạnh), Ngân vang hội làng (An Lão), trích lễ Cúng thần mặt trời (Vân Canh), trích lễ Đâm trâu (Tây Sơn) được dịp hội tụ và ngân vang.
Gìn giữ truyền thống
Trong chương trình biểu diễn của các đoàn tham gia Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh lần thứ XII - năm 2013, lực lượng nòng cốt vẫn là các nghệ nhân lớn tuổi. Nhiều năm qua, nghệ nhân Đinh Y Băng (Vĩnh Thạnh) luôn đảm nhận dàn dựng sáng tác phần âm nhạc, ca khúc dân ca lời mới, biểu diễn các loại đàn của đồng bào dân tộc Bana Kriêm. Nghệ nhân Đinh Văn Miên (An Lão) đảm nhiệm các nghi thức cúng tế trong lễ hội dân gian, biểu diễn nhạc cụ. Tiếng trống Kơ toang của nghệ nhân Nguyễn Thị Ngọc Hương cũng không thể thiếu được trong các hoạt động của đoàn Vân Canh.
“Thành công nhất của Liên hoan Đàn và hát dân ca - diễn tấu cồng chiêng là các đơn vị đã giữ gìn các giá trị truyền thống trong biểu diễn, từ trang phục, đạo cụ đến các làn điệu dân ca, dân vũ. Mỗi chương trình được chọn lọc trên cơ sở kế thừa vốn văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc mình, với sắc thái riêng, độc đáo thu hút người xem”.
Ông NGUYỄN VĂN MINH, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, Trưởng Ban tổ chức Ngày hội
Trong Ngày hội năm nay, nghệ nhân Phan Chí Thành (85 tuổi) tiếp tục được Ban tổ chức biểu dương là nghệ nhân cao tuổi nhất, giữ vai trò “linh hồn” đem đến sự sinh động, hấp dẫn cho chương trình biểu diễn của đoàn Phù Cát nhờ khả năng biểu diễn các loại nhạc cụ độc đáo. Nghệ nhân Đinh Y Băng tâm sự: “Sự am hiểu nhiều loại nhạc cụ truyền thống, trong đó có nhạc cụ rất độc đáo không ai biết làm như cổ vũ, cùng tinh thần cống hiến vô tư của Phan Chí Thành thực sự là tấm gương sáng không chỉ cho lớp trẻ, mà lớp nghệ nhân lớn tuổi như tôi còn phải học hỏi nhiều”.
Đặc biệt, lực lượng diễn viên trẻ cũng đã tham gia diễn tấu tốt tại liên hoan. Ngày hội đã tạo điều kiện cho các diễn viên, nhạc công mới, trẻ đã trưởng thành từ phong trào như La Thị Huyền Giang (Vân Canh), Đinh Thị Phượng (An Lão), Đinh Thị Xuân (Tây Sơn), Đinh Thị Điệp (Phù Cát), Đinh Thị Lâm (Hoài Ân)… tiếp nối gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Nổi bật trong số này là La Thị Huyền Giang (26 tuổi, cán bộ Trung tâm VH-TT-TT huyện Vân Canh). Không chỉ đảm nhận việc dàn dựng, tham gia biểu diễn trong chương trình của đoàn Vân Canh, chị còn đoạt giải Nhất trong phần thi hùng biện. “Là cán bộ phụ trách phong trào văn hóa văn nghệ, tôi xác định mình phải luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ huy động, gắn kết các thế hệ nghệ nhân, diễn viên cùng nỗ lực vượt qua khó khăn để đóng góp vào thành công chung. Qua ngày hội, tôi học hỏi thêm được nhiều cái hay cái đẹp trong bản sắc văn hóa các dân tộc, để trưởng thành hơn trong công tác chuyên môn”, Huyền Giang tâm sự.
HOÀI THU