Trường mầm non tư thục măng non đạt chuẩn quốc gia mức độ 1: Nhiều đổi mới, sáng tạo đột phá
Trường Mầm non tư thục Măng non ở phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn là trường mầm non tư thục đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.
Năm 2019, Trường Mầm non tư thục Măng non được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (trong 5 năm); Sở GD&ĐT chứng nhận đạt kiểm định chất lượng cấp độ 2, Trường hiện có khoảng 260 trẻ (2 nhóm nhà trẻ và 7 lớp mẫu giáo); 32 cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Cô và trò cùng khám phá
Tiết học làm quen Toán (lớp Lá 1) với bài học đếm số từ 1 - 10, không nặng giáo trình, cô giáo chủ nhiệm Lê Thảo Vy cũng không phải “độc thoại” và trẻ cũng không chỉ ngồi lắng nghe. Thay vào đó, tại phòng học Montessori, sau phần hướng dẫn nhanh gọn của cô Vy, mỗi bé sử dụng một bộ dụng cụ làm quen với Toán và thỏa sức sáng tạo. Này là bộ dụng cụ hình trụ, bộ dụng cụ con số, bộ dụng cụ lắp ghép hình khối… Không còn những con số khô khan, khó hiểu, các bé thích thú trải nghiệm, học theo cách khám phá riêng của mình.
Trẻ học khám phá trong tiết học Toán (lớp Lá 1) tại phòng học Montessori. Ảnh: M.H
“Bài học đếm số từ 1 - 10, nhưng với phương pháp học Montessori có những trẻ nhanh nhạy có thể phát triển số từ 1 - 100, quan trọng là trẻ tiếp cận theo khả năng phát triển tư duy của mình. Từ ngày áp dụng phương pháp học này, cô - trò đều thay đổi cách dạy và học, quan trọng nhất là giúp cho trẻ học dễ hiểu hơn, sáng tạo nhiều hơn”, cô Lê Thảo Vy vui vẻ nói.
Cùng với chương trình giáo dục mầm non của Bộ GD&ĐT, nhà trường đã áp dụng các phương pháp dạy học Montessori, Reggio Emilia, STEAM để giáo dục cho trẻ dựa trên sự sáng tạo, phát triển thế giới quan, giúp phát triển toàn diện. Những phương pháp này cũng luôn đặt câu hỏi cho trẻ tư duy, khám phá và chủ động học tập thay vì giáo viên cung cấp kiến thức một chiều. Nội dung giảng dạy thiết kế bám sát nhu cầu học tập, sự phát triển tư duy, thay vì áp đặt những điều giáo viên muốn trẻ biết.
Trẻ thỏa sức sáng tạo trong mỗi giờ học mà chơi. Ảnh: M.H
Theo Phó Hiệu trưởng Tô Thị Vân Thanh, các phương pháp giảng dạy tiên tiến tạo ra nhiều thay đổi tích cực, đặc biệt trẻ thực sự trở thành trung tâm của việc học. Các con được lắng nghe nhiều hơn, được tham gia thảo luận sôi nổi, ý kiến của trẻ được tôn trọng và lưu ý. Vì vậy, trẻ đến trường với tâm trạng vui tươi vì được quan tâm và được khám phá những điều mình muốn.
Theo bà Tô Thị Thu Hường, Trưởng Phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn, việc áp dụng các phương pháp dạy học hay như cách làm ở Trường Mầm non tư thục Măng non giúp trẻ hình thành nhân cách, thể chất là rất quan trọng.
Tiên phong thay đổi
Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Vinh cho biết: Ðể xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, tập thể lãnh đạo, giáo viên và nhân viên nhà trường đã đoàn kết, đầu tư cơ sở vật chất khang trang, nơi ăn, ngủ của trẻ đảm bảo an toàn. Nhà trường chú trọng xây dựng chương trình, tổ chức các hoạt động ngoại khóa hay triển khai các chương trình tăng cường; chương trình cho trẻ làm quen tiếng Anh… Trong quá trình giảng dạy, nhà trường làm tốt công tác đổi mới phương pháp giáo dục trẻ theo hướng tích hợp và tích hợp theo chủ đề tổ chức cho trẻ được khám phá, thực hành, trải nghiệm. Bên cạnh đó, quan tâm phương pháp giáo dục tiếp cận cá nhân trẻ mọi nơi, mọi lúc nhằm rèn kỹ năng sống cho trẻ. Quá trình trẻ đến trường, nhà trường theo dõi, đánh giá thường xuyên sự phát triển của trẻ.
“Đặc biệt, khi thực hiện các dự án có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa giáo viên, cha mẹ trẻ. Ví dụ khi chúng tôi thực hiện dự án “sắc màu”, ở tiết học nhuộm vải, giáo viên phối hợp với phụ huynh của trẻ để cùng con chuẩn bị nguyên liệu vải. Việc tham gia cùng học với trẻ có rất nhiều lợi ích nên phụ huynh tham gia rất nhiệt tình. Hiện, những hoạt động giáo dục dự án, hay các hoạt động trải nghiệm được phụ huynh trẻ rất ủng hộ, đồng hành cùng nhà trường”, cô Tô Thị Vân Thanh chia sẻ.
MAI HOÀNG