Nuôi heo trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường: Cần giải pháp căn cơ, bền vững
Nuôi heo trong khu dân cư, xả thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân là nỗi nhức nhối ở nhiều nơi. Khắc phục tình trạng này cần những giải pháp căn cơ, bền vững, không thể “bắt cóc bỏ dĩa” như lâu nay.
Khổ vì… hàng xóm
Gần đây, Báo Bình Định thường xuyên nhận đơn thư, điện thoại đến đường dây nóng phản ánh về việc nhiều hộ dân đầu tư, mở rộng chăn nuôi heo để phát triển kinh tế. Đáng nói, số hộ này xây dựng chuồng trại chăn nuôi trong khu dân cư mà chưa có hệ thống thu gom, xử lý chất thải đảm bảo kỹ thuật, khiến môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng cuộc sống của những gia đình lân cận.
Hộ bà Nguyễn Thị Mai (ở thôn Tiên Thuận, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn) xây dựng chuồng nuôi heo nhưng không có hệ thống xử lý nước thải. Ảnh: V.L
Từ nhiều năm nay, nhiều người dân ở xóm 3 (thôn Tiên Thuận, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn) liên tục bị trại chăn nuôi heo của gia đình bà Nguyễn Thị Mai và Tô Thị Liên (ở cùng địa phương) “tra tấn” bởi mùi hôi thối nồng nặc, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống sinh hoạt và sức khỏe.
Theo người dân, 2 hộ này mỗi năm nuôi 3 lứa, mỗi lứa lên đến hàng trăm con heo, trại heo “lọt thỏm” trong khu dân cư nhưng không xây dựng hệ thống thu gom, xử lý phân và nước thải đúng kỹ thuật. Mỗi khi vệ sinh chuồng trại, nước thải và phân heo chảy lênh láng ra ngoài ruộng.
Ông Đặng Văn Minh, nhà sát 2 trại heo này, than thở: “Chất thải từ trại heo chảy trực tiếp ra môi trường, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình tôi và nhiều hộ xung quanh. Tôi đã trực tiếp gặp các gia đình trên để nói chuyện, đề nghị có biện pháp khắc phục, nhưng tình trạng ô nhiễm ngày một nặng nề hơn”.
Tương tự, nhiều năm nay, hơn 10 hộ dân ở xóm Tân Mỹ (thôn Trà Lương, xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ) vô cùng khổ sở với mùi hôi thối bốc ra từ chuồng nuôi heo của gia đình bà Nguyễn Thị Hồng (ở cùng địa phương). Dù nuôi với số lượng nhiều, nhưng bà Hồng không xây hệ thống xử lý nước thải. Phân heo và chất thải được cho chảy theo con mương xi măng dẫn từ chuồng ra khoảnh đất trống, rồi tập kết tại hố tự hoại.
Ông P. (người dân địa phương) bức xúc nói: “Những người sống gần trại heo đều khốn khổ bởi mùi hôi thối, nhiều nhà phải đóng tất cả cửa để ngăn bớt mùi hôi bay vào. Dù nhiều lần góp ý với bà Hồng nhưng tình trạng trên vẫn không giảm, nhất là vào thời điểm gần đến tết Nguyên đán, hộ này nuôi nhiều khiến mùi hôi càng khủng khiếp, khiến nhiều người dân ở đây thường xuyên bị viêm mũi, nhức đầu”.
Còn tại thôn Tân Hóa Bắc (xã Cát Hanh, huyện Phù Cát), gia đình ông Võ Chung nuôi heo theo kiểu gia trại, quy mô cả trăm con mỗi lứa nhưng chưa xây dựng hệ thống xử lý phân, nước thải; khi tắm rửa heo, nước chảy vào đám bèo bên cạnh, làm ô nhiễm môi trường.
Cần có quy định cụ thể, nghiêm khắc
Liên quan đến tình trạng này, đại diện chính quyền các địa phương cho rằng nhiều hộ chăn nuôi để phát triển kinh tế nên không thể cấm, nhất là tại khu vực nông thôn. Địa phương đã tuyên truyền, vận động các hộ phải đảm bảo vệ sinh môi trường, nhưng thực tế chưa đạt yêu cầu. Việc chăn nuôi vẫn gây ảnh hưởng, tác động xấu tới môi trường và cuộc sống các hộ dân lân cận.
Theo Chủ tịch UBND xã Tây Thuận Nguyễn Văn Chín, xã đã cử cán bộ phụ trách lĩnh vực môi trường kiểm tra, xử lý đối với hộ gia đình bà Mai và bà Liên, họ cũng đã cam kết, có biện pháp xử lý môi trường nhưng đến nay chưa triệt để. Tới đây, địa phương tiếp tục làm việc với các hộ nói trên, đề nghị khắc phục. Nếu họ không thực hiện thì sẽ báo cáo Phòng TN&MT huyện xử lý theo quy định pháp luật.
Còn ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Cát Hanh, cho biết: UBND xã sẽ mời hộ chăn nuôi gây ô nhiễm lên làm việc, vận động, tuyên truyền, yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. Trường hợp hộ này không khắc phục, địa phương sẽ báo cáo huyện, mời cơ quan thẩm quyền cấp trên về kiểm tra, xác định mức độ ô nhiễm để có cơ sở xử lý theo đúng quy định.
Về vấn đề trên, theo ông Nguyễn Việt Cường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT), hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh tăng về số lượng, làm tăng lượng chất thải, nước thải ra môi trường. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 60.000 hộ chăn nuôi heo, xây dựng gần 54.000 biogas. Nước thải chăn nuôi hầu hết chưa được xử lý đảm bảo đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường. Lượng chất thải phần lớn chỉ được ủ sơ bộ rồi tận dụng bón cho cây trồng hoặc thải vào môi trường, gây ô nhiễm.
“Do đó, cần ban hành quy định khu vực thuộc nội thành, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi; quy định mật độ chăn nuôi cho toàn tỉnh và từng huyện; quy hoạch các điểm chăn nuôi tập trung để từng bước di dời các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư. Các hộ chăn nuôi trong khu dân cư cần sử dụng chế phẩm sinh học để giảm thiểu mùi hôi, tăng cường phân hủy chất thải...“, ông Cường đưa ra giải pháp.
Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), hiện nay, tỉnh chưa quy định khu vực không được phép chăn nuôi. Chi cục đang tham mưu Sở NN&PTNT xây dựng dự thảo quy định khu vực nội thành, nội thị, khu dân cư không được phép chăn nuôi theo quy định Luật Chăn nuôi, sau đó trình HĐND tỉnh quyết định, làm cơ sở xử lý vi phạm.
VĂN LƯU