KALIUSA
* Truyện ngắn của Maxim Gorki (Nga)
“Ông ạ, chuyện là thế này, bố cháu do chiếm dụng công quỹ nên bị ở tù nửa năm. Trong thời gian ấy, gia đình chúng tôi đã tiêu hết sạch số tiền dành dụm được bấy lâu nay. Thực ra, số tiền đó cũng chẳng nhiều nhặn gì. Khi chồng tôi đi tù, tôi phải dùng rễ cây rau đắng làm củi đun. Một người trồng rau tốt bụng cho tôi hẳn một xe rễ không dùng đến, tôi đem nó phơi khô rồi trộn với phân bò làm chất đốt. Khói của nó xông lên thật khó chịu, các thứ thức ăn thức uống đun nấu xong cũng có mùi khó chịu. Dạo đó Kaliusa đang đi học. Cháu là một thằng bé rất linh hoạt và cũng đã biết tiết kiệm. Trên đường đi học về, cháu thường nhặt nhạnh những mẩu gỗ vụn, những cành củi nhỏ đem về cho mẹ. Thế rồi mùa xuân đến, tuyết rơi đầy trời đầy đất… mà cháu vẫn chỉ có mỗi một đôi giày vải. Giày cháu lúc nào cũng ướt sũng. Cháu cởi ra, đôi bàn chân nhỏ bé của cháu đỏ bầm… Dạo đó người ta thả bố cháu ra, thuê xe ngựa đưa ông ấy về nhà. Ông ấy bị bệnh nặng trong tù. Ông nằm đó đau khổ nhìn vợ con, cười buồn héo hắt. Tôi đứng cạnh giường nhìn ông, xót xa tự hỏi: “Sao tôi lại phải nuôi báo cô ông ấy, nuôi một kẻ hại người như vậy chứ? Hay là…bỏ ông ấy vào một hố nước nào đó cho xong?”. Nhưng Kaliusa không chịu, cháu khóc lóc thảm thiết. Cháu nhìn bố bằng ánh mắt yêu thương, nước mắt ràn rụa trên khuôn mặt trắng nhợt. Cháu hỏi: “Mẹ ơi, bố thế nào rồi mẹ?”. Tôi đáp: “Ông ấy đã thành người vô dụng rồi!”. Đúng vậy. Từ hôm đó trở đi, ông ấy sống lay lắt qua ngày… Có lúc bức bối quá, tôi nói: “Cuộc sống thật tồi tệ, chẳng đáng sống chút nào! Giá như có thể vứt đi tất cả…”. Tôi muốn ám chỉ cả hai bố con Kaliusa… Bố cháu gật đầu, dường như muốn nói: “Tôi sắp chết rồi, đừng chửi rủa tôi nữa! Hãy biết chịu đựng một chút!...”. Kaliusa nhìn tôi đầy vẻ trách móc rồi bỏ đi. Cho đến lúc tôi tĩnh trí lại thì đã quá muộn. Đúng là quá muộn thật! Bởi vì, sau khi Kaliusa bỏ đi chưa đầy một tiếng đồng hồ, một nhân viên cảnh sát đi xe ngựa tới nhà tôi. Ông ta hỏi: “Bà có phải là Tania?”. Tôi đoán là đã có chuyện gì không hay xảy ra. Viên cảnh sát nói : “Mời bà đến bệnh viện ngay cho! Con trai bà đã bị xe ngựa của một thương gia cán phải”. Tôi lập tức theo xe của họ đến bệnh viện. Trên xe, tôi như ngồi trên đống lửa. Tôi tự nguyền rủa mình: “Mày là một mụ đàn bà khốn kiếp!”.
Chúng tôi đến bệnh viện. Kaliusa đang ở đó, toàn thân được băng kín. Cháu nhìn tôi mỉm cười… và nước mắt lã chã trào ra. Cháu nói nhỏ với tôi: “Mẹ ơi! Mẹ hãy tha thứ cho con! Tiền ở chỗ ngài cảnh sát đấy.” Tôi nói: “Kaliusa à, Thượng đế phù hộ cho con! Con nói tiền gì thế?”. Cháu bảo, người trên phố cho con… và tiền của ông thương gia đi xe ngựa nữa…”. Tôi hỏi: “Tại sao họ cho con tiền?”, cháu đáp: “ Là bởi vì…cháu rên lên khe khẽ, mắt cháu mở thật to… Tôi nói: “Con không nhìn thấy chiếc xe ngựa đang chạy tới à?”. Ông có biết cháu nói sao không? Cháu nói: “Con thấy chớ… nhưng con không tránh. Con nghĩ… nếu con bị thương, họ sẽ cho con tiền. Quả là họ đã cho con tiền thật mà mẹ!”. Vậy là đã rõ. Tôi hiểu rõ tâm tư của cháu. Kaliusa là thiên sứ của tôi, nhưng mọi chuyện đã quá muộn màng! Sáng hôm sau cháu trút hơi thở cuối cùng! Trước khi chết cháu rất tỉnh táo. Cháu nhắc tôi phải mua cho bố thứ này thứ kia, và mua cả cho tôi nữa… làm như cháu có nhiều tiền lắm vậy. Cả thảy chỉ có 47 rúp. Tôi đến nhà ông thương gia nọ, ông ta chỉ đưa cho tôi 5 rúp. Lão còn chửi tôi và bảo: “Mọi người đều thấy rất rõ là thằng bé tự đưa chân mình vào dưới bánh xe, cô còn đến đòi tiền tôi sao?”. Về sau tôi không thèm đến đó nữa. Ông à, chuyện của tôi chỉ có vậy thôi ông ạ!”.
Người đàn bà dừng lời và cười ngây ngô như lúc nãy.
Khu nghĩa địa vắng vẻ và hoang lạnh. Bầu trời u ám đượm buồn. Cỏ dại mọc um tùm giữa những hàng thánh giá trên từng ngôi mộ thiếu bàn tay chăm chút của người thân… tất cả khiến cho tôi nghĩ tới nỗi thống khổ của những con người không muốn sống nữa!
Tôi rút trong túi ra một ít tiền trao cho người đàn bà đang sống khắc khoải và muốn tìm đến cái chết bởi cuộc sống bất hạnh mà bà gánh chịu. Người đàn bà gật gật đầu, chầm chậm nói với tôi: “Thưa ông, tôi không dám phiền ông nữa. Hôm nay tôi đủ rồi… Tôi thực sự không cần gì nhiều, bây giờ tôi chỉ còn có một mình…cô đơn quạnh quẽ trên cõi đời này mà thôi…”. Bà thở dài não nuột và cắn chặt làn môi tím tái cứ rung rung mãi…
TRÀ LY
(dịch từ bản Hoa văn của Ba Kim)