Việt Nam tham dự Hội thảo về an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Đại diện Việt Nam đã trình bày tham luận về sự cạnh tranh của các cường quốc trong khu vực, những tác động từ sự cạnh tranh đối với an ninh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Quang cảnh hội thảo về an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN
Viện Quốc phòng và Nghiên cứu chiến lược Đức (GIDS) phối hợp với Chương trình Đào tạo chỉ huy tham mưu quốc tế thuộc Học viện Chỉ huy quốc phòng quân đội Đức vừa tổ chức Hội thảo về an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tham dự hội thảo có đại diện quốc phòng một số quốc gia khu vực như Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore, Việt Nam, Pakistan, Australia, Trung Quốc... cùng các chuyên gia nghiên cứu thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao Đức, các viện nghiên cứu về chính sách an ninh Đức và học viên Học viện Chỉ huy quốc phòng Đức.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã phân tích về thực trạng cùng các diễn biến mới nhất và nguy cơ an ninh có thể xảy ra ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, phân tích và nêu phương hướng giải quyết cũng như phản ứng của các bên.
Các diễn giả đều kêu gọi các bên liên quan thận trọng, kiềm chế, nhấn mạnh và đề cao vai trò của luật pháp quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp ở khu vực một cách hòa bình.
Hội thảo có 3 phần, gồm những thách thức đối với quan hệ xuyên Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Lợi ích chiến lược, hợp tác và cạnh tranh; và Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và châu Âu: Đối tác tiềm năng về an ninh.
Tại hội thảo, Đại tá Phạm Ngọc Thanh, Trưởng Ban Nghiên cứu quốc tế, Viện Chiến lược quốc phòng Việt Nam, đã trình bày tham luận về sự cạnh tranh của các cường quốc trong khu vực, những tác động từ sự cạnh tranh đối với an ninh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Đại tá Phạm Ngọc Thanh nhấn mạnh chính sách quốc phòng của Việt Nam mang tính chất hòa bình, tự vệ, kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; tích cực, chủ động ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, thực hiện phương châm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Việt Nam thực hiện chủ trương nhất quán là không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; và không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Quan điểm này của Việt Nam đã được những người tham dự nhiệt liệt tán thưởng và chia sẻ.
Đại tá Phạm Ngọc Thanh cũng cho biết các thách thức an ninh phi truyền thống đang ảnh hưởng sâu sắc đến an ninh của khu vực và mỗi nước, đe dọa hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Hiện khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã trở thành một trọng tâm chiến lược của các nước trong và ngoài khu vực, nhất là các nước lớn. Sự can dự và cạnh tranh của các nước lớn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương một mặt mang lại cơ hội thúc đẩy hợp tác cùng phát triển, ứng phó với các thách thức an ninh chung, mặt khác đặt ra những thách thức đối với hòa bình, ổn định và an ninh của khu vực và trên thế giới.
Đại tá Phạm Ngọc Thanh, Trưởng Ban Nghiên cứu quốc tế, Viện Chiến lược Quốc phòng Việt Nam trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN.
Là một thành viên tích cực và có trách nhiệm trong ASEAN, lập trường của Việt Nam nhất quán với lập trường chung của ASEAN được thể hiện trong “Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34. Theo đó, ASEAN ủng hộ và đóng góp vào nỗ lực chung xây dựng một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, minh bạch, bao trùm và đối thoại thay vì đối đầu, dựa trên luật pháp quốc tế; khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình và là trung gian hòa giải hài hòa lợi ích và cạnh tranh giữa các nước lớn.
Việt Nam hoan nghênh sự tham gia, đóng góp của tất cả các nước, nhất là các nước lớn nhằm thúc đẩy hợp tác cùng phát triển, giải quyết các thách thức an ninh chung, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và thế giới trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, lợi ích chính đáng của các nước.
Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại rộng mở, độc lập, tự chủ, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế; coi trọng quan hệ với các nước lớn trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.
Trước khi tham dự hội thảo nêu trên, Giám đốc Học viện Chỉ huy Quốc phòng quân đội Đức, Thiếu tướng Oliver Kohl đã trân trọng đón tiếp và có buổi trao đổi riêng với Đại sứ nước ta tại Đức Vũ Quang Minh, Đại tá Nguyễn Tuấn Minh - Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Đức, và Đại tá Phạm Ngọc Thanh.
Theo Mạnh Hùng (TTXVN/Vietnam+)