Triển lãm trực tuyến “Trường Sa xanh”: Vươn mầm từ những hy sinh
Triển lãm tích hợp các nguồn tư liệu phong phú, sinh động về biển, đảo Việt Nam, với hơn 200 bức ảnh, 23 video clip, trình bày bằng tiếng Việt và tiếng Anh để người nước ngoài dễ tiếp cận.
Các đại biểu bấm nút khai trương triển lãm trực tuyến. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Ngày 8.12, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức khai trương nền tảng triển lãm số về chủ quyền biển, đảo Việt Nam phục vụ công tác thông tin đối ngoại, với tên gọi “Trường Sa Xanh”.
Đây là một sản phẩm truyền thông đa phương tiện, tích hợp các nguồn tư liệu phong phú, sinh động về biển, đảo Việt Nam, với hơn 200 bức ảnh, 23 video clip, trên nền tảng Cổng Thông tin đối ngoại với tên miền truongsaxanh.vietnam.vn. Đặc biệt, nội dung triển lãm được trình bày bằng tiếng Việt và tiếng Anh, tạo điều kiện cho bạn bè quốc tế hiểu hơn về biển đảo Việt Nam.
Giao diện triển lãm cũng hỗ trợ các tính năng phát tự động, chế độ xem VR (thực tế ảo), thuyết minh lời bình...
Triển lãm gồm 8 chủ đề: Lịch sử quần đảo Trường Sa; Dấu mốc chủ quyền của Quần đảo Trường Sa; Trường Sa hiên ngang; Nụ cười lính biển; Trường Sa quân với dân; Trường Sa thật gần; Vươn mầm Trường Sa; Trường Sa xanh.
Với hình thức truyền thông mới, triển lãm đem đến cho người xem một Trường Sa hiên ngang, sẵn sàng đối đầu với các thử thách của thiên tai, bão tố; một Trường Sa gần gũi, thân thương trong trái tim mỗi người dân Việt; sức sống của Trường Sa hôm nay với những gam màu xanh tươi được ươm mầm, chắt chiu từ những hy sinh thầm lặng, kiên cường và cao cả của bao thế hệ người Việt.
Triển lãm sẽ được các địa phương tiếp tục bổ sung thông tin, làm dày thêm dữ liệu về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, góp phần khẳng định chủ quyền Việt Nam trên không gian số.
Phát biểu tại lễ khai trương triển lãm, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại Phạm Anh Tuấn cho hay triển lãm trực tuyến “Trường Sa xanh” là sự khởi đầu cho một nền tảng triển lãm số về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam và thông tin đối ngoại trong thời gian tới, nhằm tạo ra các sản phẩm truyền thông số hiện đại, tiếp cận được đông đảo các đối tượng, các thành phần xã hội trong và ngoài nước.
“Các nhà báo có thể coi triển lãm như một nguồn tài liệu tham khảo, gợi mở các ý tưởng mới, để từ đó khai thác và cung cấp tư liệu về biển đảo Tổ quốc một cách đa diện, chân thực tới độc giả trong nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế”, Cục trưởng Phạm Anh Tuấn chia sẻ.
Ở nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc, huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) trở thành biểu tượng cho tinh thần bất khuất, kiên cường của quân và dân đã và đang sinh sống, làm việc giữa khơi xa. Sức sống Trường Sa hôm nay với những gam màu xanh tươi mới, cũng chính là sức sống trường tồn, mãnh liệt của dân tộc Việt Nam.
Theo Minh Thu (Vietnam+)