Sức sống của văn chương Bình Định
Trong hoàn cảnh nhiều khó khăn như mấy năm gần đây, văn học tỉnh nhà vẫn đạt nhiều kết quả rất đáng ghi nhận. Những người cầm bút trong tỉnh mấy năm qua vẫn miệt mài sáng tác và lặng lẽ khẳng định mình.
Nhiều gương mặt Bình Định đã thành quen thuộc trên báo Văn Nghệ, Văn nghệ Quân đội; nhiều chân dung văn nghệ sĩ liên tục được giới thiệu trên tờ báo Hội Nhà văn, trên các báo, tạp chí trung ương. Đây cũng là thời kỳ nở rộ các đầu sách. Nhà biên khảo Lộc Xuyên Đặng Quý Địch với gần chục tác phẩm nối nhau đến với bạn đọc. Ở tuổi gần 90, sau khi hoàn thành bộ 3 về Đào Tấn, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn in tiếp 2 bộ sách rất quý: Góp nhặt dọc đường và Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu - Ông đồ nghệ sĩ. Đáng chú ý là trong 3 năm (2009-2011), nhà thơ Huỳnh Kim Bửu xuất hiện liên tiếp với Mùa thu biết thở ra hương (thơ) và 2 tập tản văn về phong hóa Bình Định. Các nhà thơ đã thành danh tiếp tục khẳng định mình, với: Lệ Thu - Tri âm của đất, Lê Văn Ngăn - Viết dưới bóng quê nhà, Nguyễn Văn Chương - Tuyển tập thơ Nguyễn Văn Chương, Tia nắng cuối ngày (truyện ký), Mai Thìn - Lặng lẽ xanh, Văn Trọng Hùng - Hầu chuyện tiền nhân, Khổng Vĩnh Nguyên - Du hành lục bát, Lửa gầm Nhật Tảo…
Mảng văn xuôi có sự góp mặt của nhiều tác giả truyện ngắn, như Nguyễn Mỹ Nữ - Những câu kinh chấp chới, Lê Hoài Lương - Tiếng chuông chiều… Các tác giả Hồ Thế Phất, Võ Ngọc Thọ, Vân Bích, Phan Văn Thuần, Đặng Quốc Khánh, Lê Bá Duy… đều có các tập thơ tiếp theo của họ. Riêng lần đầu xuất hiện thành tập, các tác giả đã từ lâu bạn đọc quen thuộc giờ “trình làng” khá ấn tượng với Đào Viết Bửu - Ngày rêu xanh, Trịnh Hoài Linh - Hương của đất, Lê Ân - Nghe phù du hát. Thời gian này, cây bút văn xuôi kỳ cựu Mang Viên Long in đến 7 tập truyện ngắn, cây bút nữ mới xuất hiện 3 năm nay Trần Minh Nguyệt cũng in đều mỗi năm một tập truyện…
Có thể nói, thành công đáng ghi nhận nhất của văn học Bình Định giai đoạn này là nối tiếp nhau liên tiếp các cây bút được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, như Bùi Thị Xuân Mai, Nguyễn Mỹ Nữ, Mai Thìn, Lê Hoài Lương, Văn Trọng Hùng. Năm 2012 còn một niềm vui nữa của văn giới Bình Định là nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho hai công trình: bộ 3 Đào Tấn và Góp nhặt dọc đường.
Hướng về tương lai, đội ngũ văn nghệ Bình Định đối diện với không ít khó khăn. Hai kỳ Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc năm 2006 và 2011, Bình Định chỉ có duy nhất cây bút nữ Đào Thị Quý Thanh trong tuổi tham dự, đủ thấy lực lượng kế cận rất mỏng. Mảng văn xuôi Bình Định cần có những tác phẩm dài hơi như tiểu thuyết. Và một thực tế, Bình Định vẫn chưa có những cây bút phê bình văn học đúng nghĩa, đúng tầm.
LÊ HOÀI LƯƠNG