Vẫn thiếu môi trường đọc sách cho thiếu nhi
Những năm qua, Bình Ðịnh là một trong không nhiều địa phương có hệ thống thư viện, tủ sách phát triển tốt. Dù vậy, hệ thống này vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu; đặc biệt, môi trường đọc cho thiếu nhi ở cơ sở còn thiếu, chưa phù hợp và thuận lợi.
Hệ thống thư viện cũ kỹ, ít được đầu tư
Ở tỉnh ta, ngoài Thư viện tỉnh, còn có 10 thư viện huyện, thành phố; 72 thư viện xã và tủ sách cơ sở. Nhìn chung, hệ thống thư viện huyện, xã đa phần chưa được đầu tư đổi mới tương xứng, cách thức hoạt động xưa cũ, cầm chừng, hiệu quả chưa cao. Tủ sách cấp cơ sở gặp nhiều khó khăn về cán bộ, vốn sách, báo… Điều đó tạo sự chênh lệch về điều kiện tiếp cận thông tin và các tiện ích, dịch vụ, sản phẩm thông tin thư viện giữa thành thị và nông thôn, miền núi, khu vực biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện KT-XH khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Thiếu nhi đọc sách tại Thư viện tỉnh. Ảnh: T.LỢI
Nguyên nhân chủ yếu là do các cấp, ngành chưa đầu tư đúng mức, nhất là trong việc bố trí đủ quỹ đất, biên chế nhân sự, tài nguyên thông tin và các điều kiện cần thiết khác để thư viện triển khai hiệu quả các hoạt động phục vụ thiếu nhi. Đó là chưa kể sự phát triển của các phương tiện truyền thông, thiết bị điện tử, mạng xã hội tác động mạnh mẽ đến thói quen đọc, tiếp cận thông tin của thiếu nhi; sự đổi mới hoạt động của thư viện chưa theo kịp tốc độ phát triển của KHCN và yêu cầu thực tiễn nói chung; sự phối hợp giữa thư viện trường học với các loại thư viện khác chưa được triển khai đồng bộ, thường xuyên.
Thư viện tỉnh có lẽ là nơi hiếm hoi của tỉnh có phòng đọc chuyên biệt dành cho thiếu nhi. Tuy nhiên, sau nhiều năm phục vụ, cơ sở hạ tầng đã lạc hậu, chưa thật sự đảm bảo tốt nhất để phục vụ bạn đọc, nhất là vào dịp hè. Bà Chung Thị Đào, Phó trưởng Phòng Phục vụ bạn đọc (Thư viện tỉnh), cho hay: Hiện nay, bình quân mỗi ngày có khoảng 20 - 30 cháu đến đọc sách tại phòng và tăng 2 - 3 lần vào thứ bảy, chủ nhật. Dịp hè, mỗi ngày có hơn 100 cháu. Tuy nhiên, phòng đọc thiếu nhi chỉ rộng chừng 50 m2 nên nhiều thời điểm quá tải.
Đặc biệt, nguồn sách phục vụ cho thiếu nhi thiếu nhiều. Hiện nay, kho sách thiếu nhi của Thư viện tỉnh có hơn 80.000 bản sách, phục vụ nhu cầu đọc sách tại chỗ, bổ sung nguồn sách cho xe thư viện lưu động đa phương tiện phục vụ cơ sở (các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa) và luân đổi sách về thư viện các địa phương. Từ thực tế của Thư viện tỉnh, không khó hiểu vì sao môi trường, điều kiện đọc của thiếu nhi trong tỉnh trở nên khó khăn, đặc biệt là ở các huyện miền núi.
Cần đầu tư bài bản
Dù điều kiện kinh phí, nguồn sách còn nhiều hạn hẹp, nhưng hằng năm, Thư viện tỉnh vẫn xây dựng kế hoạch phục vụ xe thư viện lưu động, tổ chức đưa sách - luân chuyển sách về các trường thuộc huyện, xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để hỗ trợ các trường học, địa phương có thêm sách phục vụ thiếu nhi. Đơn cử năm 2022, Thư viện tỉnh tổ chức 45 chuyến xe, mỗi đợt phục vụ từ 2 - 3 ngày (mỗi trường được phục vụ 3 lần/năm), với các hoạt động luân chuyển sách, chiếu phim 3D, thi đố vui tìm hiểu về nội dung sách đã đọc có thưởng, giúp xây dựng thư viện trường…
Ông Trần Xuân Nhất, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh, cho rằng đây chỉ là giải pháp mang tính tạm thời. Về lâu dài, các cấp, ngành và chính quyền địa phương cần quan tâm bố trí nguồn vốn, quỹ đất để xây dựng thêm thư viện công cộng, thư viện trường học, trong đó có phòng đọc dành riêng cho thiếu nhi. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ thêm kinh phí bổ sung nguồn sách, báo, tư liệu để nâng cao tinh thần tự đọc, tự học, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận, tra cứu và xử lý thông tin cho thiếu nhi; đưa hoạt động này thành nội dung của tiết học chính khóa phù hợp với từng cấp học, bậc học.
Mới đây, Sở VH&TT đã có văn bản tham mưu UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chỉ thị 20/CT-TTg, ngày 1.11.2022 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh đổi mới hoạt động của thư viện trong xây dựng, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung vào nhiều giải pháp, như: Xây dựng mô hình, không gian đọc thân thiện với thiếu nhi; đề xuất chính sách khuyến khích, thu hút phù hợp đối với người làm công tác thư viện phục vụ thiếu nhi, nhất là tại miền núi, khu vực biên giới, hải đảo… Hy vọng, thời gian tới các chỉ số liên quan đến văn hóa đọc của thiếu nhi sẽ được cải thiện hơn.
Mong được hỗ trợ nhiều hơn
Ông Nguyễn Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, chia sẻ: Địa phương chỉ có một thư viện cấp huyện rộng khoảng 50 m2, đã xuống cấp. Hạ tầng không đảm bảo, nguồn sách phục vụ thiếu nhi cũng thiếu. Việc đáp ứng nhu cầu đọc sách của thiếu nhi gần như phụ thuộc vào các thư viện trường học, nhưng như thế vẫn chưa đủ. Vân Canh là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, để thiếu nhi dễ dàng tiếp cận các loại hình sách, báo, đọc sách thoải mái, chúng tôi rất cần được hỗ trợ nhiều hơn.
TRỌNG LỢI