Đoàn kết, quyết tâm vượt qua thách thức
Trong chương trình kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XIII, phiên thảo luận tổ chiều 8.12 đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp sâu sát, trách nhiệm của đại biểu về nhiều vấn đề phát triển kinh tế - xã hội.
Chỉ tiêu cao cần nỗ lực lớn
Đại biểu (ĐB) Lê Thị Vinh Hương (đơn vị Hoài Nhơn) cho rằng 19 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển KT-XH tỉnh trong năm 2022 đều đạt và vượt so với kế hoạch cho thấy quyết tâm lớn, nỗ lực cao của các cấp ủy, tổ chức đảng, cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh. Trong đó, vai trò và chất lượng chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh đóng vai trò quyết định.
ĐB Lê Thị Vinh Hương (Hoài Nhơn) cho rằng kết quả phát triển KT-XH năm 2022 đạt nhiều khả quan là do sự đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh. Ảnh: HỒNG PHÚC
Bên cạnh đó, ĐB Hương nêu thực trạng nhiều DN đang gặp khó khăn, nhất là thiếu thị trường, giảm quy mô và giá trị đơn hàng đối với các hợp đồng ký được… Trong khi đó, giá nguyên vật liệu sản xuất tăng cao, áp lực cạnh tranh ngành hàng lớn. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh và các ngành liên quan tiếp tục quan tâm hỗ trợ DN. Đồng thời, có giải pháp đột phá, chỉ đạo chuyên đề để nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư DN nước ngoài.
Về các chỉ tiêu phát triển kinh tế tỉnh năm 2023, ĐB Phạm Tấn Thành (Phù Mỹ) cho rằng: Việc đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng đối với kim ngạch xuất khẩu và công nghiệp cao hơn năm 2022 sẽ đặt ra nhiều thách thức. “Bởi, tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, phức tạp, do đó chúng ta cần xem xét, trao đổi, phân tích rõ hơn cũng như có những giải pháp cụ thể trong khâu thực hiện để có thể đạt chỉ tiêu đề ra”, ĐB Thành nói.
ĐB Nguyễn Văn Hùng (Tuy Phước) cũng bày tỏ băn khoăn khi năm 2022, HĐND tỉnh giao chỉ tiêu phát triển công nghiệp và xây dựng 9,3 - 9,7%, ước thực hiện chỉ đạt 8,55 %; nhưng chỉ tiêu năm 2023 lên đến 9 - 9,5%. “Việc đặt ra chỉ tiêu công nghiệp và xây dựng năm 2023 cao hơn kết quả thực hiện năm 2022 theo tôi là hết sức khó khăn khi thực hiện. Bởi năm 2023 được dự báo các DN gặp nhiều khó khăn hơn, các DN tương đối lớn trên địa bàn huyện Tuy Phước đều khẳng định như vậy. Các DN đã có đơn đặt hàng trong năm 2023, nhưng đơn hàng nhiều nhất cũng chỉ bằng 50% giá trị so với năm 2022”, ĐB Hùng cho hay.
Quang cảnh kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ảnh: HỒNG PHÚC
Dự thảo luận tổ, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng khẳng định sự cần thiết phải phấn đấu tăng trưởng công nghiệp và xây dựng cao, góp phần quan trọng để tăng thu ngân sách, tạo thêm rất nhiều việc làm cho người lao động…
“Để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng chung của tỉnh trong năm 2023, cả hệ thống chính trị cần tiếp tục đoàn kết, quyết tâm phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức. Sắp tới, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ tiếp tục làm việc để giao nhiệm vụ cụ thể cho từng huyện, thị xã, thành phố; từ đó giao xuống cho các xã, phường thực hiện hiệu quả”, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn, việc đặt ra chỉ tiêu hướng đến công nghiệp và xây dựng tăng 9 - 9,5% là để nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa; nếu chỉ tiêu 2023 không đạt được thì ít nhất cũng tạo được dư địa cần thiết cho các năm tiếp theo.
Các đại biểu thảo luận nghiêm túc, sôi nổi nhiều vấn đề tại tổ. Ảnh: HỒNG PHÚC
Cần chú trọng các vấn đề an sinh xã hội
Tương tự các kỳ họp trước, vấn đề về nước sạch tiếp tục được nhiều đại biểu nêu ra ở các tổ. ĐB Đinh Drin (Vĩnh Thạnh) cho biết người dân thị trấn Vĩnh Thạnh và một số xã đang bị thiếu nước sạch do công suất cấp nước của nhà máy đặt tại thị trấn không đảm bảo, hệ thống đường ống cấp nước bị xuống cấp. Đề nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ nâng cấp nhà máy, xây dựng, mở rộng hệ thống cấp nước sạch để đảm bảo cung cấp cho nhân dân.
ĐB Lê Thanh Tùng (An Nhơn) cho rằng tỷ lệ người dân ở khu vực nông thôn và một số vùng đô thị sử dụng nước sạch còn khá thấp. Hiện nay, việc đầu tư, nâng cấp hệ thống cấp nước cho nhân dân gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do các nhà đầu tư rất ngại đầu tư vào lĩnh vực này. “UBND tỉnh và các ngành chức năng cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư các công trình cấp nước sạch, nhất là ở khu vực nông thôn. Nếu để từng địa phương tự lo thì rất khó nâng tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch”, ĐB Tùng nêu ý kiến.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng cho rằng vấn đề nước sinh hoạt cho dân rất bức xúc. Tuy nhiên, thực tế một số công trình cung cấp nước sạch ở nhiều địa phương trong tỉnh sau khi được đầu tư thì không được quản lý tốt, sử dụng thực sự hiệu quả. Do đó, đề nghị các địa phương cần đánh giá lại thực trạng và các nguyên nhân hạn chế, phải xây dựng phương án khả khi trong quản lý, sử dụng công trình nước sạch thì mới triển khai đầu tư.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh giải đáp công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh về tình hình KT-XH năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2023. Ảnh: HỒNG PHÚC
Về những khó khăn, hạn chế trong thu gom, xử lý rác thải, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, hiện tỉnh chưa kêu gọi đầu tư được nhà máy xử lý rác quy mô lớn. Trong khi đó, các nhà máy xử lý rác quy mô vừa vẫn đang được nhà đầu tư triển khai tại địa bàn TX An Nhơn, TX Hoài Nhơn và TP Quy Nhơn.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết thời gian qua rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, thu gom chất thải rắn. UBND tỉnh đã chỉ đạo phải thu gom rác hằng ngày ở các khu vực đô thị, còn ở khu vực nông thôn ít nhất 2 ngày/lần. Tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các hình thức đầu tư hệ thống các bãi chứa rác đảm bảo vệ sinh môi trường ở các địa phương; tăng thêm kinh phí cho các địa phương để thu gom, xử lý rác. Trong năm 2023, tỉnh đầu tư thêm 16 xe rác, sau đó năm 2024 - 2025 dự kiến có thêm hơn 30 xe rác cho các huyện, thị xã thành phố… Qua đó, cơ bản giải quyết vấn đề thu gom, xử lý chất thải rắn.
Hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho trường mầm non
Về báo cáo sơ kết 1 năm tình hình thực hiện Nghị quyết số 33/2021/NQ-HĐND (về cơ chế hỗ trợ kinh phí đối với các trường mầm non thuộc diện chuyển đổi sang loại hình trường công lập tự chủ hoàn toàn về tài chính trên địa bàn tỉnh), ĐB Đoàn Đức Tùng (Quy Nhơn) cho rằng, dù đã có những kết quả đạt được, nhưng vẫn còn hạn chế, thời gian tới không được giải quyết dứt điểm thì khó đạt được mục tiêu Nghị quyết đề ra.
“Các trường mầm non muốn tự chủ hoàn toàn về tài chính thì chủ yếu phải tăng học phí. Mà muốn tăng học phí thì phải được đầu tư về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, đổi mới phương pháp giảng dạy để tạo “đầu ra” chất lượng, thu hút nhiều học sinh. Tuy nhiên, trong thời gian qua hầu hết các trường mầm non thuộc diện hỗ trợ chỉ được đầu tư rất ít. Thực tế này đặt ra yêu cầu phải có sự quan tâm nhiều hơn, giải pháp hiệu quả hơn trong thời gian tới”, ông Tùng nêu ý kiến.
Về Tờ trình ban hành Quy định mức hỗ trợ đối với trẻ em mầm non, giáo viên mầm non và cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, ĐB Nguyễn Thị Tuyết (Phù Cát) cho rằng: Nên tách riêng vấn đề đối với 2 đối tượng được thụ hưởng. Giáo viên mầm non thì phải giảng dạy ở các cơ sở giáo dục tại địa bàn khu, cụm công nghiệp; còn đối tượng là trẻ em thì nên quy định có cha mẹ, người nuôi dưỡng làm việc tại các khu, cụm công nghiệp và được DN ký hợp đồng theo quy định.
NHÓM PHÓNG VIÊN XDĐ-NC-BĐ