Gỡ khó làm sản phẩm OCOP
Không chỉ trao sinh kế, giúp hội viên phát triển kinh tế, thời gian qua, các cấp Hội LHPN còn quan tâm gỡ khó trong việc xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP, nhất là khâu gắn sản phẩm OCOP với kinh tế số.
Còn e ngại trước cái mới
Xuất phát từ mong muốn tạo ra sản phẩm chăm sóc sức khỏe “lành tính”, chị Huỳnh Thị Thúy Hằng (ở xã Bình Thành, huyện Tây Sơn) đã tạo nên sản phẩm tinh dầu tràm thủ công. Muốn “nâng tầm” lên OCOP, chị phải dành thời gian nghiên cứu, thay đổi cách làm để đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt; cùng với đó là tìm hiểu quy trình hoàn thiện hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP.
Người dân tham quan các gian hàng OCOP trong Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp với chủ đề “Phụ nữ gắn sản phẩm OCOP với kinh tế số và phát triển xanh” năm 2022. Ảnh: D.L
Chị cho biết, việc thay đổi, nâng cấp từ sản phẩm thủ công lên sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP khó khăn hơn so với việc phát triển sản phẩm theo hướng chuyên nghiệp ngay từ đầu. Ngoài ra, chị chưa nắm bắt cụ thể quy trình đăng ký cũng như các điều kiện để “tăng sao” cho các sản phẩm.
“Sẽ thuận tiện hơn nếu chúng tôi được định hướng phát triển sản phẩm OCOP ngay từ đầu và được hướng dẫn, tiếp cận sớm với quy trình đăng ký thương hiệu theo tiêu chuẩn trên”, chị Hằng bày tỏ.
Bên cạnh đó, kỹ năng quảng bá sản phẩm OCOP trên nền tảng số cũng là một khó khăn với nhiều phụ nữ trong quá trình phát triển thương hiệu. Khó khăn này xuất phát từ tâm lý e ngại, chưa quen với việc “giao tiếp online” với khách hàng; chưa mạnh dạn bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Đó là chưa kể, ở các địa phương vùng sâu vùng xa, điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế nên việc tiếp cận, làm quen với phương thức kinh doanh này còn chưa hiệu quả.
Để hội viên phụ nữ, nhất là các chị em đã và đang phát triển sản phẩm OCOP, hiểu rõ lợi ích của việc gắn liền OCOP với kinh tế số, các cấp Hội LHPN đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực.
Cụ thể, từ ngày 15.11 đến nay, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 11 buổi truyền thông với chủ đề “Phụ nữ gắn sản phẩm OCOP với kinh tế số và phát triển xanh” tại các huyện, thị xã, thành phố; mở 3 lớp tập huấn “Ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động kinh doanh” cho 90 cá nhân có ý tưởng kinh doanh, chủ DN nhỏ.
Với phương châm “nhanh, gọn, kịp thời”, trong suốt các buổi tuyên truyền, Hội LHPN tỉnh tập trung vào 2 nội dung chính: Hướng dẫn xây dựng kế hoạch kinh doanh, ý tưởng kinh doanh và ứng dụng công nghệ trong quản lý, phát triển kinh doanh qua mạng xã hội. Ngoài ra, Hội còn tổ chức hội thảo trao đổi kinh nghiệm giữa hội viên phụ nữ với chuyên gia kinh tế; giúp giải đáp tức thời những thắc mắc, khó khăn mà chị em gặp phải trong quá trình xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP…
Hăng hái tham gia buổi tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, chị Trần Thị Ái Nhi (ở thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân, người sáng lập thương hiệu Ái Nhi Food) đã “cởi mở” hơn sau khi được lắng nghe, chia sẻ những khó khăn gặp phải trong suốt quá trình tạo ra sản phẩm thanh gạo lứt ngũ cốc đạt chuẩn OCOP. “Ban đầu tôi gặp khó khăn trong khâu làm nên sản phẩm thủ công nhưng vẫn đạt chuẩn OCOP; sau đó là thử thách vượt qua mùa dịch bởi cách bán hàng trực tiếp bị hạn chế. Từ người tự ti khi đứng trước camera, giờ đây, tôi tự tin hơn khi được trang bị nhiều kỹ năng cần thiết, bán được nhiều đơn hàng hơn cho những khách hàng ở xa thông qua MXH”, chị Nhi bật mí.
Bà Đặng Thị Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: “Hội LHPN các cấp sẽ chú trọng định hướng, hỗ trợ chị em phát triển sản phẩm OCOP ngay từ đầu. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan làm cầu nối để nhân rộng kinh tế số trong kinh doanh, sản xuất các sản phẩm OCOP do phụ nữ làm chủ, góp phần mở rộng thị trường, tăng hiệu quả kinh tế”.
DƯƠNG LINH