Đến bảo tàng học lịch sử
Bảo tàng tỉnh Bình Ðịnh là một trong vài bảo tàng trên cả nước tiên phong trong việc triển khai mô hình dạy lịch sử tại bảo tàng để kết nối với học sinh, góp phần để Bộ VH-TT&DL ban hành Quyết định 2752/QÐ-BVHTTDL ngày 31.10.2022 triển khai công tác giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua di sản văn hóa.
Để đổi mới hình thức đa dạng tuyên truyền, quảng bá hình ảnh thu hút giới trẻ đến bảo tàng, từ năm 2016 đến nay, Bảo tàng tỉnh đã chủ động tìm đến học sinh thông qua việc phối hợp với Phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn tổ chức nhiều hoạt động tạo hứng thú cho học sinh, như “Tiết học lịch sử tại bảo tàng”; các cuộc thi “Ai nhớ nhiều nhất”, “Họa sĩ nhí với Bảo tàng Bình Định”, “Theo dòng lịch sử”… mang lại hiệu quả thiết thực.
Chương trình “Tiết học lịch sử tại Bảo tàng tỉnh” do Bảo tàng tỉnh phối hợp Trường THCS Lê Lợi tổ chức vào sáng 8.12. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Theo ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, mô hình dạy lịch sử tại Bảo tàng tỉnh Bình Định đã được Bộ VH-TT&DL đánh giá cao, nhiều bảo tàng, trường học trong nước học hỏi để làm theo và có kết quả tốt. Đến bây giờ mô hình này đã được bảo tàng các tỉnh thực hiện hiệu quả, góp phần làm tăng sự hấp dẫn đối với việc dạy và học môn lịch sử, giúp học sinh thêm yêu lịch sử nước nhà.
Sáng 8.12, không khí tại Bảo tàng tỉnh trở nên nhộn nhịp bởi tiết học Sinh - Sử dành cho học sinh khối lớp 6 của Trường THCS Lê Lợi (TP Quy Nhơn). Cô giáo Nguyễn Thị Danh, Tổ trưởng Tổ bộ môn Sử - Địa, Trường THCS Lê Lợi, tâm tình: “Ngoài việc lồng ghép dạy lịch sử địa phương trong các tiết học tại trường, hằng năm, nhà trường có kế hoạch tổ chức hoạt động ngoại khóa cho học sinh học lịch sử tại Bảo tàng tỉnh, giúp các em rèn luyện kỹ năng quan sát, nắm rõ hơn về văn hóa, lịch sử của Bình Định để thêm tự hào hơn về quê hương mình”.
Thông qua những hiện vật, tư liệu, hình ảnh trưng bày tại Bảo tàng tỉnh theo các chủ đề: Thiên nhiên - Danh thắng - Con người Bình Định; Văn hóa phi vật thể Bình Định; Văn hóa Sa Huỳnh, Kiến trúc Champa, Lịch sử Bình Định thời Tây Sơn; Cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của Bình Định; Bác Hồ và nhân dân Bình Định - Nhân dân Bình Định với Bác Hồ… được các thuyết minh viên bảo tàng giới thiệu, kể chuyện đã tạo hứng thú cho các em thêm thích môn lịch sử.
Em Nguyễn Thị Thiên Ngân, học sinh lớp 6A3, Trường THCS Lê Lợi, chia sẻ: “Buổi học chỉ diễn ra trong khoảng 1 tiếng đồng hồ nhưng chúng em thấy rất thú vị vì được vừa học, vừa trò chuyện vui vẻ với các anh, chị ở bảo tàng để hiểu sâu hơn về lịch sử, văn hóa quê hương Bình Định để bổ sung thêm vào kiến thức cho môn lịch sử. Em thấy học như thế này rất sinh động, dễ nhớ và nhớ được lâu”.
Việc triển khai mô hình học lịch sử tại bảo tàng nhằm tạo cho các em học sinh có một sân chơi bổ ích, địa điểm học tập thú vị là một trong những nhiệm vụ được Bảo tàng tỉnh thường xuyên thực hiện. Bà Hoàng Yến, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Trưng bày - Tuyên truyền (Bảo tàng tỉnh), cho hay: “Không chỉ xây dựng mô hình dạy lịch sử tại bảo tàng nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa, năm 2019, Bảo tàng tỉnh còn phối hợp Sở GD&ĐT xây dựng chương trình giáo dục lịch sử địa phương để đưa vào giảng dạy cho học sinh tiểu học trong năm học 2022 - 2023”.
Nhằm tăng cường sự phối hợp giữa ngành văn hóa và ngành GD&ĐT, cuối tháng 10.2022, Bộ VH-TT&DL đã ban hành Kế hoạch thực hiện công tác giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua di sản văn hóa tại các bảo tàng trên khắp cả nước. Theo đó, từ tháng 1 - 7.2023 sẽ triển khai trên toàn quốc mô hình “Câu lạc bộ em yêu lịch sử”, “Giờ học lịch sử”; thí điểm mô hình “Giờ học lịch sử online” tại một số bảo tàng cấp tỉnh có đủ điều kiện cả về nhân lực và hạ tầng kỹ thuật, công nghệ.
Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: Kế hoạch triển khai công tác giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua di sản văn hóa do Bộ VH-TT&DL ban hành là cơ sở quan trọng để chúng tôi tham mưu Sở VH&TT phối hợp với ngành GD&ĐT triển khai nhân rộng mô hình dạy lịch sử tại bảo tàng trong toàn tỉnh, phù hợp với định hướng chung đối với các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đi đôi với chương trình giáo dục hiện hành…
ĐOÀN NGỌC NHUẬN