Phân luồng học sinh sau THCS
Vừa qua, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Bình Ðịnh phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh cuối khóa THCS, chung tay với nhà trường, ngành GD&ÐT trong công tác phân luồng học sinh sau THCS.
Phân luồng học sinh sau THCS nhằm định hướng cho các em lựa chọn hướng đi phù hợp với năng lực, sở trường, nguyện vọng, hoàn cảnh của bản thân, tạo cơ hội tiếp tục học tập có hiệu quả. Đồng thời, góp phần cung ứng nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu nhân lực của xã hội, của nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu nhân lực.
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Bình Định phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh cuối khóa THCS tại Trường THCS Phước Lộc (Tuy Phước). Ảnh: N.M
Hướng đến mục tiêu này, chương trình tập trung truyền thông cho học sinh về tầm quan trọng của việc tư vấn phân luồng học tập, lựa chọn ngành nghề, trường học tập sau khi kết thúc chương trình học tập cấp THCS và nguyên nhân, hậu quả của việc lựa chọn sai nghề; cung cấp những thông tin về các ngành nghề đào tạo, tư vấn chọn ngành nghề, chọn trường phù hợp với khả năng…
Tại nhiều điểm trường ở TP Quy Nhơn, huyện Tây Sơn, huyện Tuy Phước…, học sinh lớp 8 và lớp 9 đã được các nhà giáo nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh trực tiếp hướng dẫn, tư vấn, góp phần nâng cao nhận thức về nghề nghiệp và việc làm. Trong đó, thông điệp chính là: Nhu cầu xã hội hiện rất đa dạng nên có nhiều bậc học khác nhau, xu hướng học tập tập khác nhau. Đại học không phải là con đường duy nhất để dẫn đến thành công, mở ra cơ hội nghề nghiệp, thu nhập ổn định. Các con đường khác cũng tươi sáng không kém nếu chúng phù hợp với nhu cầu của xã hội, phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân học sinh và hoàn cảnh gia đình.
“Ngay từ thời điểm này, các em cần tìm hiểu về các con đường, lựa chọn phù hợp với chính mình, có bước chuẩn bị để tránh lúng túng, dẫn đến những lựa chọn thiếu phù hợp, làm mất thời gian, công sức, tiền bạc của bản thân, gia đình. Đó là lý do mà chương trình tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng học sinh bậc THCS, chúng tôi vẫn lựa chọn chủ đề “Hiểu mình - Hiểu nghề - Sáng tương lai””, ông Phan Thanh Trị, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Bình Định chia sẻ.
Thông qua tư vấn, hướng dẫn của cán bộ tư vấn đến từ Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ, Trường Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic Bình Định, học sinh cuối khóa THCS đã có thêm nhiều thông tin hữu ích.
Em Nguyễn Hoàng Anh, học sinh lớp 9A1, Trường THCS Phước Lộc (huyện Tuy Phước), nói: “Em biết thêm về chính sách miễn học phí cho học sinh vừa tốt nghiệp THCS đăng ký học trung cấp nghề. Tại các trường cao đẳng, mình vừa có thể học nghề, vừa học văn hóa THPT, sau đó còn có thể liên thông từ trung cấp nghề lên cao đẳng nghề. Như vậy chỉ sau 3 năm, mình có thể có được 2 bằng tốt nghiệp, đồng thời có thể rút ngắn thời gian học tập, tiết kiệm khoản tiền học phí cho ba mẹ. Điều này rất có ý nghĩa với các bạn có hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn.
Những năm gần đây, tỷ lệ học sinh sau THCS tham gia học trình độ trung cấp, chương trình giáo dục thường xuyên kết hợp với học nghề có xu hướng tăng so với các năm trước. Đầu năm học 2022 - 2023, em Nguyễn Văn Bin (15 tuổi, ở phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn) đã trở thành tân sinh viên năm nhất lớp Trung cấp Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ.
Bin kể: “Sức học đến cuối năm lớp 9 của em là trung bình. Lúc em nói đi học nghề, ba mẹ cũng ngại ngần, mong em học tiếp THPT, sau đó đi học nghề cũng không muộn. Nhưng em nghĩ, cuối cùng vẫn là chọn học nghề, vậy sao không học sớm để tiết kiệm thời gian, tiền bạc. Việc thay đổi môi trường học tập mới, đặt mình vào một thử thách mới cũng tạo cho em động lực, trách nhiệm hơn. Em sẽ cố gắng hết sức!”.
Việc triển khai thực hiện chủ trương phân luồng học sinh sau THCS đã góp phần không nhỏ trong thay đổi nhận thức của các cấp, các ngành, người dân và học sinh trong việc lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với khả năng, điều kiện kinh tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, từng bước khắc phục tình trạng thừa “thầy”, thiếu “thợ”.
NGUYỄN MUỘI