Thực hiện ký kết hợp đồng lao động trong khai thác hải sản: Phát triển nghề cá có trách nhiệm và bền vững
Thực hiện ký kết hợp đồng lao động trong khai thác hải sản là giải pháp bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người lao động và xây dựng nghề cá có trách nhiệm, bền vững. đây là hướng đi tất yếu của nghề cá trong thời gian tới.
Thỏa thuận miệng, ràng buộc lỏng lẻo
Trong khai thác hải sản, đặc biệt nghề đánh bắt xa bờ, các chủ tàu thường thuê thuyền trưởng, máy trưởng và lao động trên tàu cá (thuyền viên, bạn thuyền, lao động đơn giản…) từ nhiều tỉnh, thành, vùng, miền khác. Việc thuê mướn này chủ yếu dưới hình thức thỏa thuận miệng; ràng buộc hết sức lỏng lẻo, hầu như không có hợp đồng lao động (HĐLĐ). Hiện tượng này khiến lao động trên tàu cá không được hưởng các chế độ phúc lợi xã hội (lương hưu, trợ cấp BHXH...); không được tiếp cận các nguồn hỗ trợ, cứu trợ khi bị rủi ro, tai nạn, thương tích; không có cơ sở nhận bồi thường khi tranh chấp. Không có HĐLĐ nên trách nhiệm đảm bảo an toàn lao động giữa chủ sử dụng lao động và người lao động không được quan tâm đúng mức, khi có tranh chấp xảy ra phần thiệt thòi chủ yếu rơi vào người lao động.
Lao động trên tàu cá là công việc vất vả, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
- Trong ảnh:Ngư dân trên tàu cá BĐ 99125-TS đang vận chuyển các khay cá qua tàu thu mua ở khơi xa. Ảnh: N.V.T
Nhưng HĐLĐ không chỉ mang lợi ích riêng cho người lao động mà cả chủ tàu cá cũng có phần. Khi được đáp ứng đầy đủ các quyền của mình trong quá trình lao động, ngư dân không cảm thấy bị ức chế, tinh thần thoải mái sẽ phát huy năng lực, sở trường trong công việc, chú tâm làm việc và hạn chế tối đa tai nạn lao động. Ngư dân gắn kết và làm việc lâu dài với chủ tàu - điều này rất quan trọng và có ý nghĩa to lớn trong bối cảnh lao động nghề biển ngày càng thiếu hụt.
Ông Phan Thanh Trưởng, ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, chủ tàu cá BĐ 91052-TS làm nghề vây rút chì, cho biết: Vấn đề ký HĐLĐ Nhà nước đã đặt ra cách đây 4 - 5 năm rồi. Tuy nhiên, do làm ăn theo tháng theo mùa, khi có khi không, nhiều khi lỗ tổn; khi trúng thì lương 8 - 10 triệu /tháng nhưng lúc thất bát bạn thuyền xin ứng 500 nghìn đồng cũng không có để đưa. Tàu của tôi có 12 thuyền viên đã làm việc cùng nhau nhiều năm, làm ăn cũng được nên bạn thuyền còn gắn bó, chứ giờ đang thiếu lao động đi biển, chỉ cần 1 - 2 chuyến biển thất bại là bạn thuyền bỏ sang thuyền khác ngay.
Về phía người lao động, anh Long, một thuyền viên tàu cá tâm sự: Hồi giờ đi biển lúc có lúc không. Lúc có thì được 5 - 7 triệu đồng nhưng những lúc không có việc thì ở không, nhiều lúc cả tháng trời; mà đã làm nghề biển rồi thì lên bờ khó tìm được việc phù hợp lắm trừ bán sức lao động thô. Nếu có HĐLĐ mỗi bên đóng một phần thì hay quá.
Cần có chính sách hỗ trợ giai đoạn đầu tiên
Vừa là chủ tàu, vừa là thuyền trưởng tàu câu cá ngừ đại dương BĐ 98442-TS, ông Hồ Thanh Tân ở phường Tam Quan Bắc, TX Hoài Nhơn chia sẻ: Ràng buộc trách nhiệm với nhau bằng HĐLĐ về lý thì hay nhưng tôi nghĩ rất khó vì hồi giờ ăn chia theo sản phẩm quen rồi. Bạn thuyền thì đâu phải chuyên nghiệp như công nhân trong nhà máy, nay thế này nhưng mai đã khác, đâu dễ ràng buộc nhau. Thời tiết sóng gió thì ngày bất thường, không biết mỗi năm ra biển được bao nhiêu ngày, giá cá, giá xăng dầu mấy năm nay bất ổn… Nếu ký HĐLĐ thì chủ tàu chịu áp lực trả lương cố định hằng tháng rất lớn. Tuy nhiên, nghề cá thì phải hiện đại dần theo thế giới, nhiều thứ trước đây không có nhưng giờ phải quen cho nên tôi nghĩ muốn ngư dân quen thì Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ ở giai đoạn đầu tiên.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản chia sẻ: Đến nay, ở đội tàu của tỉnh Bình Định chưa có hiện tượng ngược đãi, cưỡng bức lao động trên tàu cá. Tuy nhiên, ở nhiều tỉnh, thành khác đã xảy ra chuyện này, một số trường hợp ngư dân bị bóc lột sức lao động phải chấp nhận đánh đổi cả tính mạng, nhảy xuống biển để bỏ trốn.Việc triển khai HĐLĐ cho lao động nghề cá sớm muộn cũng phải triển khai. Để thực thi chính sách, Tổng cục Thủy sản sẽ phối hợp với các bên liên quan đào tạo kỹ năng đi biển cho ngư dân, từng bước thay đổi nhận thức. Chúng tôi cũng sẽ hoàn thiện Quy chuẩn về an toàn lao động tàu cá. Phối hợp với Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam thí điểm về HĐLĐ tàu cá tại một tỉnh thành nào đó có nghề cá mạnh.
Nghề cá là một nghề vất vả, độc hại, nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng hiện nay thu nhập của lao động nghề cá rất bấp bênh, vấn đề đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội còn chưa rõ ràng. Việc thực hiện HĐLĐ là mong muốn của cả chủ tàu và lao động trên tàu cá. Đây cũng là xu thế phát triển chung vì một nghề cá hiện đại, thân thiện với môi trường và bền vững.
Bình Định có gần 6.000 tàu cá, trong đó có hơn 3.200 tàu khai thác hải sản vùng khơi. Nếu hình dung các tàu cá tương tự như các DN, cơ sở sản xuất thì tỉnh hiện có hơn 3.000 DN đang hoạt động thường xuyên trên biển với gần 45.000 lao động. Thực tế phát triển nghề cá buộc chúng ta phải tính đến việc bảo vệ lợi ích các lao động trên tàu cá, chuẩn hóa mối quan hệ chủ sử dụng lao động - người lao động. Muốn phát triển bền vững và hội nhập với thế giới, chúng ta sẽ phải tiến tới đó!
Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản
ÁI TRINH