Kinh tế khá nhờ nuôi trồng khép kín
Nhờ phát triển mô hình nông nghiệp khép kín trồng các loại cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi, trang trại của gia đình ông Nguyễn Thái Học, 60 tuổi, ở thôn Thanh Long, xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn, cho thu nhập bình quân mỗi năm hơn 350 triệu đồng.
Ông Học cho biết, trước kia, với diện tích 2 ha đất ruộng, vợ chồng ông chỉ trồng lúa. Năm 1990, ông bắt đầu tính toán lại việc lựa chọn cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp. Mỗi năm một ít, dần dần trang trại của vợ chồng ông ngày càng quy mô, vừa chăn nuôi dê, gà, vừa trồng dừa, mít, chuối... và đào ao nuôi cá. Dù thực hiện nhiều mô hình cùng lúc nhưng nhờ bố trí khoa học, linh hoạt và lên kế hoạch chu đáo nên vợ chồng ông Học có thể chăm sóc tốt cây trồng, vật nuôi, cuộc sống kinh tế của ông bà dần dần khá lên.
Ông Học chăm sóc vườn dừa trĩu quả chuẩn bị phục vụ thị trường tết. Ảnh: NGUYỄN NGUYỆT
Tại trang trại của mình, vợ chồng ông Học chăn nuôi kết hợp trồng trọt theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tận dụng phế phẩm, phụ phẩm trồng trọt làm thức ăn chăn nuôi; chất thải chăn nuôi lại trở thành phân bón hữu cơ cho cây trồng góp phần giảm chi phí đầu vào, tăng cao giá trị sản xuất. Để “lấy ngắn nuôi dài”, ông tích cực phát triển vườn cây ăn trái theo kiểu mùa nào thức nấy, kế đó nuôi thêm dê, gà nên có nguồn phân chuồng bón cho vườn cây, lượng phân bón dồi dào đã giúp nâng cao sản lượng cây ăn quả theo hướng nông nghiệp sạch. Bên cạnh đó, ông tận dụng thức ăn tự nhiên trong trang trại như rau, cỏ, côn trùng, giun… để nuôi một số loại cá phổ biến như lóc, trê, rô đầu vuông… Điểm đặc biệt là ngay từ nhiều năm trước, trong canh tác, chăn nuôi tại trang trại của mình, ông Học không sử dụng kháng sinh, hóa chất nên sản phẩm do trang trại của ông cung cấp đạt chất lượng cao, tin cậy, an toàn và sạch bệnh, được thương lái mua với giá cao hơn so với thị trường.
Đầu năm 2022, vợ chồng ông Học quy hoạch lại khu đất, dành hẳn 1 ha vườn tham gia phát triển mô hình trồng thâm canh cây ăn quả (mít, chôm chôm, nhãn) theo hướng VietGAP, ứng dụng công nghệ cao, do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Quy Nhơn triển khai. “Việc trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP khiến sản phẩm có giá trị rất cao. Nhưng nhờ lâu nay tôi đã canh tác theo hướng an toàn nên thực tế chỉ cần cố gắng thêm chút để đúng quy chuẩn là được”, ông Học phấn khởi chia sẻ.
Ông Lê Văn Giác, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Mỹ cho biết, mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi để tránh rủi ro, biến động của thị trường cũng như tận dụng tối đa thời gian sản xuất và có thể sử dụng hiệu quả các phế phẩm trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi của ông Nguyễn Thái Học là một mô hình mẫu mực được nhiều người học tập, làm theo.
Với nhiều đóng góp cho phong trào nông dân sản xuất giỏi, ông Nguyễn Thái Học vinh dự được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh, Hội Nông dân tỉnh và năm 2019 ông vinh dự được Thủ tướng tặng bằng khen.
NGUYỄN NGUYỆT