GIẢI THƯỞNG CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH CƠ SỞ NĂM 2022:
Cơ hội nâng cao chất lượng báo nói
Giải thưởng chương trình phát thanh cơ sở năm 2022 được ban tổ chức đánh giá có chất lượng nội dung, kỹ thuật âm thanh, dàn dựng, thể hiện tốt hơn so với mọi năm.
Năm nay, Giải thưởng chương trình phát thanh cơ sở do Sở TT&TT phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Đài PT-TH Bình Định, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh tổ chức. Ban tổ chức Giải thưởng đã nhận 31 chương trình phát thanh của 31 đơn vị tham gia. Trong đó, có 11 chương trình phát thanh thời sự tổng hợp của các huyện, thị xã, thành phố; 20 chương trình phát thanh thời sự tổng hợp của 20 xã, phường, thị trấn.
Giải thưởng chương trình phát thanh cơ sở năm 2022 có chất lượng tốt hơn năm 2021.
- Trong ảnh: Các đơn vị đạt giải C giải thưởng chương trình thời sự tổng hợp cấp huyện, xã. Ảnh: A.N
Nhìn chung, các chương trình tham gia giải thưởng năm nay đã khai thác được thế mạnh của báo nói, trong đó nhiều chương trình có chất lượng tốt về nội dung, kết cấu chương trình, cách thể hiện và kỹ thuật xử lý âm thanh. Khâu biên tập, dàn dựng kết hợp việc sử dụng âm thanh, tiếng động, âm nhạc đã được các đơn vị quan tâm đầu tư hợp lý, giúp các tác phẩm trở nên ấn tượng và hấp dẫn. Nhiều chương trình được đầu tư kỹ cả phần nội dung lẫn dàn dựng, sử dụng âm thanh qua phỏng vấn, tiếng động, âm nhạc (nhạc cắt, nhạc xen, nhạc minh họa...).
Ông Phạm Ngọc Thái, Phó Giám đốc Sở TT&TT, đánh giá: Đặc biệt, một số câu chuyện truyền thanh có sự đầu tư bài bản, chuyên nghiệp về kịch bản, bám sát những vấn đề thời sự được dư luận quan tâm, phản ánh toàn diện các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… diễn ra của địa phương. Có thể kể đến các tin, bài, phóng sự về đề tài, như: Người dân đồng tỉnh, ủng hộ việc đền bù, giải tỏa để kịp thời bàn giao mặt bằng triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh; công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại địa phương; các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả kinh tế cao; việc bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa, khôi phục các làng nghề, văn hóa truyền thống…
Nhờ đầu tư kỹ lưỡng chương trình nội dung, kỹ thuật xử lý âm thanh tốt, Đài truyền thanh xã Phước Quang (huyện Tuy Phước) đã xuất sắc đạt giải A giải thưởng chương trình thời sự tổng hợp cấp xã. Chị Lê Thị Tố Uyên, phát thanh viên - biên tập viên Đài truyền thanh xã, người trực tiếp đi cơ sở tìm hiểu, khai thác tư liệu và viết hoàn chỉnh nội dung chương trình, cho biết: Tôi và ê kíp đã xây dựng chương trình thời sự tổng hợp dự thi này theo 3 phần. Trong đó, phần 1 gồm 8 bản tin, phần 2 là phóng sự đề cập về làng nghề đan thúng truyền thống ở thôn Tân Điền và chuyên mục Đời sống văn hóa đề cập về lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn. Tất cả nội dung trong chương trình là những hoạt động, sự kiện, sự việc diễn ra ở địa phương. Tôi rất vui khi chương trình được xét trao giải A.
Tham dự giải thưởng này, nhiều đài truyền thanh cơ sở còn chú trọng khai thác các phóng sự về gương người tốt việc tốt, góp phần cổ vũ, động viên những hành động cao đẹp, lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách trong đời sống cộng đồng. Trong đó, có bài viết ngợi khen hành động đẹp của chị Trương Thị Hiền, ở xóm 4, thôn Hòa Thuận, xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn) nhặt được của rơi trả người bị mất; đội cứu hộ “An toàn giao thông - An ninh trật tự” của Đoàn Thanh niên xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước). Ngoài ra, một số chương trình phát thanh còn có tính mới, đề cập đến những chủ đề mang tính thời sự, như: Câu chuyện truyền thanh Để xóm làng bình yên (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước). Đây là phóng sự có nội dung phản ánh tệ nạn xã hội (ma túy, cờ bạc, trộm cắp, cho vay nặng lãi) xảy ra trong cộng đồng dân cư, xóm làng, gây mất ANTT ở địa phương. Đồng thời, kỹ thuật âm thanh được dàn dựng khá công phu, trong đó có tiếng động âm thanh ở hiện trường, góp phần nâng cao chất lượng chương trình, cuốn hút người nghe.
Tuy vậy, vẫn còn một số chương trình chưa chú trọng việc biên tập lời dẫn. Nhiều lời dẫn viết đơn điệu, không sát với nội dung sự kiện, làm cho chương trình khô cứng, rập khuôn, máy móc. Có những vấn đề chưa thực sự nổi bật, không mang tính điển hình cao, hoặc chỉ chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung cũ mà thiếu phát hiện, sáng tạo mới.
Giải thưởng là dịp để các cán bộ làm công tác truyền thanh ở cơ sở giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về nội dung, hình thức và kỹ thuật phát thanh. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng chương trình, thúc đẩy sự sáng tạo của đơn vị làm công tác truyền thanh cơ sở, đáp ứng nhu cầu thông tin, tuyên truyền ở cơ sở trong tình hình mới.
AN NHIÊN