Chân dung cha bằng thơ
Màu thời gian (NXB Hội Nhà văn, 2022) là tập thơ vừa ra mắt bạn đọc của Đông Hàn. Tập thơ có nhiều đoản khúc tiếp nối theo một mạch chảy xuyên suốt về hình ảnh người cha thân thương, tựa hồ như một trường ca của tác giả.
Người cha ấy ấm áp tình cảm, luôn chăm lo gia đình, vì thương con mà chịu nhiều hy sinh để cho tương lai con mình thêm xán lạn. Cha bảo bọc, đầy tình thương, cha dạy con ân nghĩa cuộc đời, cha là ngọn đuốc soi đường để con sống thẳng ngay, biết tự chỉnh mình trước bao xô bồ, cám dỗ cuộc đời. Người cha ấy nén chặt bao nỗi buồn, dang vòng tay yêu thương dưỡng nuôi con phương trưởng. Cha mộc mạc mà bao dung như đất quê: “Đất mang những hạt phù sinh/ dưỡng cây quên cả thân mình bạc phau”; cha lặng lẽ một tình yêu, một hy sinh: “Ba còn cày dưới ruộng sâu/ cho con bước tiếp trên cầu bút nghiên/ hạt gieo đồng trũng truân chuyên/ cho ngày hoa thắm trên miền núi cao”. Viết về cha, nên bao ký ức quê nhà, tuổi thơ hiện diện nhiều trong thơ Đông Hàn.
Đông Hàn tên thật là Võ Đông Hàn, quê gốc ở Phù Cát. Hiện anh sinh sống, dạy học ở TX An Khê, tỉnh Gia Lai. Màu thời gian là tập thơ thứ 2 của anh, sau tập Những điều ở phía sau (2020).
Hình ảnh người cha như thấm vào hình ảnh của quê hương - vùng đất Phù Cát nắng gió nơi xứ Nẫu với bao con người chân chất, thiệt thành. Cha đã như một tượng đài kính yêu của con, để con noi theo, sửa mình, để biết trân trọng và yêu thương nhiều hơn. Cha nhẹ về phía mây trời, để lại nơi con nỗi ngui ngút tiếc thương: “Lại mùa mưa bấc giăng quê/ con thành đứa trẻ ngô nghê dưới trời/ nhiều lần thầm gọi ba ơi/ núi vẫn trầm mặc dưới trời thiên thanh”. Thể thơ lục bát đã giúp tác giả thể hiện được những tình cảm chân thành của mình với cha. Không gì dễ xúc động hơn khi viết về những người mà mình yêu thương nhất. Đông Hàn không ngại ngần tỏ bày sự tin yêu, kính trọng nhất mực với cha, người dạy anh làm người, dạy anh biết lễ nghĩa, biết san sớt cùng bao thân phận bất hạnh.
Chính cha anh cũng đã dạy anh biết rung động trước cái đẹp, thả cảm xúc của mình với thơ. Bởi vậy, khi đọc lại những gì cha viết, anh bùi ngùi như thấy cha như còn đang hiện diện trong đời sống tâm hồn mình: “Ba tôi thường làm thơ/ má tôi không viết gì cả/ chuyện quen/ người lạ/ Ba viết về tiếng gà gáy sáng/ lúc mẹ tôi dưới chạn bếp đã khua nồi nấu nước sôi/ pha trà, đón bình minh thức giấc/.../ Ba viết về bạn bè và những cơn say/ đọt rau lang, tô canh bồ ngót má nấu vội/ men này ngọt lịm lòng ba” (Đọc thơ ba).
NGÔ PHONG