Mở cơ hội phát triển kinh tế khu vực nông thôn
Đến nay toàn tỉnh có 133 sản phẩm OCOP được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó 6 sản phẩm đạt hạng tiềm năng 5 sao, 14 sản phẩm đạt 4 sao và 113 sản phẩm đạt 3 sao. Năm 2022, toàn tỉnh có 80 sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đến nay, Sở NN&PTNT đã tổ chức chấm điểm, đánh giá xong 2 đợt cho hơn 50 sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh xem xét, phê chuẩn.
Đầu tư bài bản về chất lượng, mẫu mã
Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo, các sản phẩm OCOP trong tỉnh đã được chú trọng đầu tư về chất lượng và mẫu mã nhiều hơn trước. Hầu hết các đơn vị tham gia phân hạng sản phẩm OCOP năm 2022 có chiến lược, có sự chọn lọc ngay từ cấp cơ sở trước khi tham gia vào vòng tuyển chọn ở cấp tỉnh.
Ông Đào Văn Hùng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh, đánh giá: Năm 2022, hầu hết các địa phương trong tỉnh đã chủ động lựa chọn sản phẩm từ cơ sở. Các yếu tố trùng lắp giảm dần, thay vào đó là các sản phẩm giàu chất đặc trưng. Chẳng hạn, TX Hoài Nhơn đưa tới các sản phẩm mang yếu tố làng nghề, sản phẩm đặc trưng địa phương như nước mắm truyền thống, bánh tráng, nếp ngự. Chúng có đủ thông tin về nơi sản xuất, chất lượng, yếu tố liên kết cộng đồng cư dân trong sản xuất sản phẩm. Huyện Tuy Phước có sản phẩm nông nghiệp hữu cơ với mẫu mã đẹp của HTXNN hữu cơ Lộc Tín… Bên cạnh đó, chủ cơ sở sản xuất chế biến sâu đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Chẳng hạn, cơ sở nuôi lươn thương phẩm Long Vinh (Phước Hiệp, Tuy Phước) đã chế biến và đóng gói thịt lươn thành phẩm theo nhiều dạng (thịt nguyên con, thịt cắt sẵn, gia vị đi kèm…) để tăng sự lựa chọn cho người tiêu dùng.
Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Bình Định năm 2022. Ảnh: THU DỊU
Năm 2022, HTXNN Hoài Sơn (TX Hoài Nhơn) mang tới sản phẩm nếp ngự Hoài Sơn được đóng gói, hút chân không; các thông tin về vùng sản xuất, quy trình canh tác và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm đều được công bố rõ ràng ngay trên bao bì. Đây là sản phẩm được công nhận sản phẩm đặc trưng, được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Những năm gần đây, HTXNN Hoài Sơn liên kết với DN để phục hồi việc sản xuất nếp ngự, nhằm duy trì và bảo tồn giống nếp ngon của địa phương. Sản phẩm này tuy sản lượng ít, song với quy trình canh tác an toàn, hướng tới trở thành nguyên liệu chế biến các món truyền thống của Hoài Nhơn.
Tăng cường tiếp thị, quảng bá sản phẩm
Theo ông Đào Văn Hùng, mục tiêu của việc công nhận sản phẩm OCOP là tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đồng thời đưa tới giá trị về liên kết cộng đồng cư dân địa phương. Chính vì thế, Sở NN&PTNT đã định hướng các địa phương, các chủ thể tập trung lựa chọn sản phẩm đặc sắc và có tính toán về yếu tố liên kết phát triển kinh tế địa phương. Các chủ thể phải xây dựng được câu chuyện để tạo sự khác biệt trong quá trình phát triển. “Chúng ta đang ở trong bối cảnh có quá nhiều sản phẩm tương đồng, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn, do vậy muốn cạnh tranh phải tự tạo được những giá trị riêng. Đồng thời, các chủ cơ sở phải xây dựng chiến lược tiếp thị, quảng bá sản phẩm; nên tận dụng các lợi thế của thương mại điện tử để cùng thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP”, ông Đào Văn Hùng nói thêm.
Nói về điều này, ông Phạm Trung Chiến, Giám đốc HTXNN hữu cơ Lộc Tín, cho rằng, dù cần phải bổ sung một số yêu cầu, nhưng việc tham gia công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2022 giúp HTX có thêm nhiều thông tin để định hướng phát triển sắp tới. Chẳng hạn, ngoài các yếu tố bắt buộc về quy trình sản xuất, công bố tiêu chuẩn chất lượng thì tiếp thị sản phẩm với câu chuyện riêng là điểm cộng cho sản phẩm OCOP. Các sản phẩm của Lộc Tín đều có nhiều câu chuyện thú vị đi kèm, đây là lợi thế để triển khai chiến lược quảng bá theo nhu cầu, theo phân khúc của thị trường.
Hay như sản phẩm nước rau câu đóng chai của HTX Dịch vụ du lịch thủy sản Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) đang có những lợi thế nhất định trong tiếp thị. Đó là câu chuyện về cùng nhau bảo vệ rạn san hô gần bờ, bảo vệ động vật biển quý hiếm (rùa biển); giữ khu “rừng rong biển” phục vụ du lịch cộng đồng. Các yếu tố này là sức hút để rau câu Nhơn Hải lọt vào vòng trong và tiếp tới được đầu tư để quảng bá sản phẩm OCOP gắn với chương trình du lịch nông thôn cho giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.
“Các sản phẩm OCOP của Bình Định đều được đánh giá tốt về chất lượng. Tôi có một gợi ý nhỏ là các chủ cơ sở nên đầu tư thêm về bao bì, nhãn mác theo nhiều phân khúc, sự kiện, mùa vụ. Ví dụ mùa Tết thì nên khác ngày thường một chút cho dễ bán. Sở Công Thương đang vận động, khuyến khích tiêu dùng sản phẩm, giỏ quà OCOP trong dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023”.
Ông LÊ HỒNG TÂY - Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), thành viên Hội đồng giám khảo
“Sản phẩm OCOP phục vụ du lịch phải chú trọng tới câu chuyện đi kèm. Khách du lịch họ mong muốn mua sản phẩm mang trong đó các giá trị mềm của con người, của vùng đất họ đến. Như câu chuyện của HTX Dịch vụ du lịch Nhơn Hải với việc tạo sinh kế cho cộng đồng địa phương ven biển là một ví dụ sinh động”.
Bà NGUYỄN THỊ KIM CHUNG - Phó Giám đốc Sở Du lịch, thành viên Hội đồng giám khảo
THU DỊU