Hành động quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả chống khai thác IUU
Ngày 13.12, chủ trì cuộc họp triển khai các giải pháp cấp bách về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là khai thác IUU); đồng chí Hồ Quốc Dũng, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh đã chỉ đạo phải hành động quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp xử lý vi phạm khai thác IUU.
Cùng chủ trì buổi làm việc có đồng chí Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Vẫn còn tàu cá vi phạm lãnh hải nước ngoài
Theo báo cáo của Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc tại cuộc họp, thời gian qua, mặc dù tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU; nhưng đến nay vẫn còn xảy ra tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác hải sản trái phép bị nước ngoài bắt giữ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh (giữa) kiểm tra tình hình hoạt động của tàu cá Bình Định ở vùng khơi thông qua cập nhật hành trình tàu cá trên hệ thống giám sát tại trạm bờ ở Chi cục Thủy sản. Ảnh: THU DỊU
Thống kê từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh có 37 tàu/231 thuyền viên bị các nước trong khu vực bắt giữ do vi phạm lãnh hải. Riêng năm 2022 có 10 tàu/61 thuyền viên bị bắt giữ. Trong đó, huyện Phù Cát có 8 tàu/48 thuyền viên, TP Quy Nhơn 1 tàu/7 thuyền viên, TX Hoài Nhơn 1 tàu/6 thuyền viên. Trong số các tàu bị nước ngoài bắt giữ có 9 tàu xuất bến ngoài tỉnh (Bà Rịa - Vũng Tàu 7 tàu; Bình Thuận 1 tàu; TP Đà Nẵng 1 tàu) và 1 tàu xuất bến tại cảng cá Tam Quan (TX Hoài Nhơn).
Theo lãnh đạo ngành Nông nghiệp tỉnh, một số ngư dân vì lợi ích kinh tế đã cố tình đưa tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển các nước. Hầu hết các tàu cá vi phạm đều làm thủ tục xuất bến ở ngoài tỉnh (chủ yếu là ở các tỉnh phía Nam như Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Kiên Giang), nhiều năm liền chủ tàu không đưa tàu cá về địa phương, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý. Các tàu cá vi phạm chủ yếu là tàu nhỏ có chiều dài dưới 15 m, tàu cũ, giá trị thấp, chưa có quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nên rất khó phát hiện, xử lý kịp thời.
Huyện Phù Cát là địa phương thường xuyên để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm lãnh hải nước ngoài. Năm 2020 có 9 tàu/54 thuyền viên vi phạm; năm 2021 có 14 tàu/85 thuyền viên; năm 2022 có 8 tàu/48 thuyền viên.
Bí thư Huyện ủy Phù Cát Đỗ Văn Ngộ cho biết: Huyện có 751 tàu cá, đa số hành nghề tại các ngư trường phía Nam. Địa phương đã có nhiều cố gắng trong công tác vận động, tuyên truyền các chủ tàu, thuyền trưởng chấp hành nghiêm các quy định về chống vi phạm khai thác IUU. Tuy nhiên, phải thừa nhận việc quản lý đội ngũ tàu cá còn gặp nhiều khó khăn.
“Để ngăn chặn hiệu quả tình trạng tàu cá vi phạm lãnh hải nước ngoài, tới đây, huyện sẽ thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp xử lý vi phạm. Sẽ cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính 1 - 2 vụ để răn đe chung. Cùng với đó, huyện cũng sẽ quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền để xảy ra tàu cá vi phạm”, ông Ngộ nói.
Hành động quyết liệt, quy định rõ trách nhiệm từng cấp, từng ngành
Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế kéo dài chậm khắc phục trong chống khai thác IUU. Theo Bí thư Tỉnh ủy, bên cạnh nguyên nhân từ nhận thức của ngư dân còn hạn chế, còn có thiếu sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu cấp ủy các cấp, các ngành; chưa quan tâm đúng mức, thiếu kiểm tra, thanh tra, giám sát và chưa có giải pháp lâu dài, bền vững trong công tác này.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: N.HÂN
“Vì sao cũng có đội tàu cá khai thác thủy sản lớn nhưng các tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi lại không có tàu cá vi phạm IUU, còn tỉnh ta thì kéo dài không ngăn chặn triệt để được? Chúng ta phải xem lại trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, từng sở, ngành liên quan. Đồng thời phải có chế tài xử lý trách nhiệm thật cụ thể!”, đồng chí Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.
Về các giải pháp ngăn chặn tình trạng vi phạm IUU, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng yêu cầu UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động 180 ngày thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu trong việc gỡ “thẻ vàng” IUU theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong xây dựng kế hoạch yêu cầu UBND tỉnh phải nêu rõ, cụ thể trách nhiệm của từng sở, từng ngành, từng địa phương.
“UBND tỉnh cam kết sẽ xây dựng cụ thể kế hoạch hành động, chương trình làm việc, quy chế phối hợp để ngăn chặn hiệu quả, tiến đến chấm dứt tình trạng tàu cá của tỉnh vi phạm lãnh hải nước ngoài. Trong đó, sẽ giao trách nhiệm cụ thể cho từng cấp, từng ngành; hằng tháng phải kiểm điểm những việc đã làm được, chưa làm được và rút kinh nghiệm, thúc đẩy công việc cho thời gian tiếp theo”.
Chủ tịch UBND tỉnh PHẠM ANH TUẤN
Cùng với đó, tập trung cao điểm công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các chủ tàu, ngư dân về chấp hành các quy định về chống khai thác IUU. Từng địa phương phải thành lập ngay các tổ công tác đến các ngư trường có ngư dân của mình để vận động, tuyên truyền, giáo dục. Xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm và truyền thông rộng rãi trong cộng đồng các vụ việc xử lý vi phạm để góp phần cảnh tỉnh, răn đe.
Trước mắt, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Chi cục Thủy sản thuộc Sở NN&PTNT tạm dừng ngay việc cấp phép khai thác thủy sản đối với các tàu cá có chiều dài dưới 15 m hoạt động ở các vùng biển ven bờ.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu lãnh đạo UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các huyện, thị xã, thành phố trong triển khai việc thực thi các giải pháp xử lý vi phạm khai thác IUU. Xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp và các sở, ngành liên quan khi để tàu cá vi phạm. Xây dựng cơ chế phối hợp trao đổi thông tin giữa tỉnh với các địa phương có tàu cá Bình Định hoạt động để tăng cường quản lý, ngăn chặn và xử lý vi phạm.
Đồng thời, tổ chức rà soát, cơ cấu lại đội tàu cá khai thác thủy sản của tỉnh. Đối với nhóm tàu khai thác không hiệu quả và các tàu cũ nát, cần tổ chức chuyển nghề sang nuôi trồng thủy sản và các ngành nghề khác…
NGUYỄN HÂN