Ðảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong chế biến nông, lâm, thủy sản:
Thường xuyên kiểm tra, tích cực tuyên truyền
Vấn đề nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong chế biến nông, lâm, thủy sản ở tỉnh ta ngày càng được quan tâm, đầu tư. Ðặc biệt trước mỗi dịp cao điểm lễ, tết, ngành chức năng lại tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn để các chủ cơ sở tuân thủ quy định, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Bình Định (Sở NN&PTNT), thời điểm cuối năm, hoạt động chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản tăng cao nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến trong dịp tết. Đây cũng là thời điểm xuất hiện nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) do cẩu thả trong chế biến nông, lâm, thủy sản. Do vậy, toàn ngành tập trung vào công tác kiểm tra hoạt động chế biến, đồng thời tích cực hướng dẫn tuân thủ quy định thực hiện các tiêu chuẩn về ATVSTP.
Đoàn công tác liên ngành, trong đó có Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Bình Định, kiểm tra ATVSTP tại các cơ sở. Ảnh: DNCC
Theo ông Hồ Phước Hoàn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Bình Định, thông thường vào thời điểm cận Tết nhu cầu thị trường và giá cả tăng đột biến, vì vậy các cơ sở quy mô nhỏ, sản xuất thời vụ đổ xô vào đáp ứng và nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm chủ yếu bắt đầu từ sản phẩm của nhóm cơ sở này. Từ thực tế đó, Chi cục giao cho cán bộ đứng chân địa bàn phối hợp với chính quyền các địa phương tập trung rà soát, kiểm tra và hướng dẫn họ thực hiện các tiêu chuẩn về ATVSTP. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Chi cục làm đầu mối tham gia vào Đoàn công tác liên ngành của tỉnh, triển khai kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh trước, trong và sau tết Nguyên đán.
“Tất cả những nội dung công tác trên đều là nhiệm vụ chuyên môn của Chi cục, do vậy hằng năm Chi cục đều xây dựng kế hoạch và tham mưu Sở NN&PTNT ban hành, chỉ đạo phù hợp. Sau nhiều năm triển khai, điểm tích cực là ý thức chấp hành quy định pháp luật về VSATTP của chủ cơ sở sản xuất được nâng cao, chuyển từ bị động sang tự giác chấp hành (trang bị kiến thức, kỹ năng, chuẩn bị hồ sơ pháp lý, công bố chất lượng sản phẩm…). Bằng chứng cho chuyển biến tích cực là trong 3 năm liên tiếp (2020 - 2022), thực hiện giám sát cảnh báo dư lượng chất cấm, kháng sinh trong các sản phẩm nông sản chế biến tại TP Quy Nhơn và TX Hoài Nhơn (thông qua lấy mẫu giám sát định kỳ và lấy mẫu ngẫu nhiên) đã không phát hiện mẫu vật có chất cấm. Cùng với đó, thực hiện theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định một số chi tiết về Luật An toàn thực phẩm, trách nhiệm của chủ cơ sở được đề cao hơn (chủ cơ sở tự công bố chất lượng sản phẩm và tự chịu trách nhiệm), tăng ý thức tự giác chấp hành”, ông Hoàn phấn khởi.
Từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Bình Định tổ chức giám sát dư lượng các chất độc hại và kháng sinh cấm trong sản xuất sản phẩm nông, lâm, thủy sản với 571 mẫu; xác nhận 3 sản phẩm an toàn theo chuỗi; thanh, kiểm tra và hậu kiểm tại 728 cơ sở; cấp giấy chứng nhận cho hơn 1.100 cơ sở; tổ chức tuyên truyền, tập huấn và bồi dưỡng kiến thức về an toàn thực phẩm cho hơn 3.200 lượt người.
Từ đây cho đến đầu tháng 1.2023, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tập trung vào công tác kiểm tra thực tế các cơ sở sản xuất; đồng thời phối hợp với các địa phương rà soát lại tình hình quản lý chất lượng lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản tại cơ sở để đánh giá về thuận lợi, tồn tại; đề xuất các giải pháp để triển khai tốt hơn công tác này giai đoạn 2022 - 2026 trên địa bàn tỉnh.
“Trong 571 giám sát của năm 2022, tỷ lệ mẫu chưa đáp ứng yêu cầu về ATVSTP chiếm 6,6%, giảm liên tục từ năm 2020 đến nay. Trong nhóm vi phạm này chủ yếu là vi phạm sử dụng phụ gia được phép nhưng vượt ngưỡng với tỷ lệ thấp và ở các sở chế biến thời vụ, nhỏ lẻ. Quá trình kiểm tra, chúng tôi nhận thấy, chủ các cơ sở này đã trang bị kiến thức, tìm hiểu các thông tin, tuy nhiên do quy mô nhỏ, họ không đầu tư máy móc, thiết bị chuyên dụng để cân đo tỷ lệ phụ gia chính xác dẫn tới tình trạng cùng trong một vật phẩm có vị trí bị vượt ngưỡng phụ gia, có vị trí không. Quá trình kiểm tra, chúng tôi thực hiện đúng quy định và xử phạt, cùng với đó tập trung nhắc nhở để người sản xuất tuân thủ”.
Ông Hồ Phước Hoàn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Bình Định
THU DỊU