Học lý luận là “học để làm việc”
Hiện nay, các thế lực phản động dùng nhiều thủ đoạn chống phá, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Ðảng nhằm làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Ðảng và hoài nghi về con đường tiến lên CNXH ở Việt Nam. Vì vậy, tăng cường đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc là một trong những nhiệm vụ cấp thiết để bảo vệ Ðảng, Nhà nước, chế độ và nhân dân.
Ngày 16.6.2022, Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới. Nghị quyết yêu cầu: Tăng cường trách nhiệm của đảng viên trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch. Để thực hiện tốt trách nhiệm, đảng viên cần tăng cường học tập, nâng cao trình độ lý luận.
Học tập chuyên đề “Đội ngũ lãnh đạo, quản lý với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong tình hình mới” tại lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Ảnh: M.LÂM
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Lý luận là sự tổng kết những kinh nghiệm của loài người, là tổng hợp những tri thức về tự nhiên và xã hội tích trữ lại trong quá trình lịch sử”, “Là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc đấu tranh, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng, rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi lại đem nó chứng minh với thực tế”.
Vì sao phải học lý luận? Người nhấn mạnh: “Nâng cao trình độ lý luận là đặng giải quyết sự đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng và tình hình thực tế của Đảng ta”, “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế”. Không có nền tảng lý luận, điều đó cũng có nghĩa là thiếu luận cứ khoa học, hạn chế về phương pháp luận; do đó, khi thực hành công việc “lúng túng như nhắm mắt mà đi” và kết quả là thất bại.
Học lý luận cốt để áp dụng vào thực tiễn chứ không phải “để đem lòe thiên hạ”, nếu lý luận không đem ra thực hành, giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra thì đó là lý luận suông. Vì vậy, đòi hỏi “Mỗi đảng viên phải học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra và thẳng thắn phê bình những đảng viên mắc phải bệnh “cá nhân”, chỉ biết lợi ích cho riêng mình, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân; thờ ơ với những quan điểm sai trái, xuyên tạc đường lối cách mạng, ảnh hưởng đến sự đoàn kết và cản trở con đường tiến lên của Đảng, “nghe những lời bình luận không đúng, cũng làm thinh, không biện bác. Thậm chí nghe những lời phản cách mạng cũng không báo cáo… Ai nói sao, ai làm gì cũng mặc kệ”.
Lười học lý luận, kém lý luận và khinh lý luận là biểu hiện của bệnh “chủ quan”. Đọc nhiều sách lý luận nhưng trước yêu cầu của thực tiễn lại không biết đem ra vận dụng, trước những luận điệu phản cách mạng “không biện bác” thì đó chỉ là “cái hòm đựng sách” chứ không phải biết lý luận, “xem nhiều sách để mà lòe, để làm ra ta đây, thế không phải là biết lý luận”. Lý luận soi sáng con đường hành động và hướng cho hành động đạt kết quả cao nhất, bởi “lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên.
Ngày nay, Đảng ta xác định tăng cường đào tạo, bồi dưỡng lý luận cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ thường xuyên nhằm nâng cao chất lượng đảng viên và sức chiến đấu của Đảng. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của lý luận, xem nhẹ việc học tập lý luận nên học qua loa, chiếu lệ, học vì lợi ích cá nhân, vì chức vụ chứ không phải “học để làm việc” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở.
Điều này được Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII chỉ ra: Một bộ phận cán bộ, đảng viên “nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị. Đó cũng là nguyên nhân đứng trước các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc, “việc đấu tranh, phản bác… thiếu sắc bén và hiệu quả chưa cao”.
Nghị quyết số 21-NQ/TW tiếp tục chỉ ra “Một bộ phận đảng viên năng lực, trình độ, trách nhiệm chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…, thiếu bản lĩnh chính trị”, đó là những biểu hiện làm suy giảm tính chiến đấu của Đảng.
Tóm lại, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản động để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Nâng cao trình độ lý luận của đảng viên là yêu cầu cấp thiết, tạo vũ khí sắc bén sẵn sàng thực hiện tốt trách nhiệm phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực phản động.
TRẦN NGỌC HỒNG (Trường Chính trị tỉnh)