Giải tỏa áp lực vào đại học
Các trường đại học sắp công bố danh sách thí sinh trúng tuyển. Chính vì thế, những ngày này là những ngày phấp phỏng nhất, căng thẳng nhất, không phải chỉ đối với các thí sinh mà cả với các bậc phụ huynh và những ai quan tâm đến số phận của các em.
Với xã hội coi trọng bằng cấp và truyền thống khoa cử như Việt Nam, việc vào được đại học từ lâu đã trở nên rất quan trọng. Với nhiều học sinh, không vào được đại học tựa như đặt dấu chấm hết cho cuộc đời. Không ít trường hợp thí sinh xem chuyện thi trượt như một thảm họa, và thực tế đã có những vụ tự tử do trượt đại học hay những trường hợp phải điều trị tâm thần do chịu sức ép quá lớn trong kỳ thi đại học. Với nhiều cha mẹ, việc con cái thi đậu đại học, lấy được bằng đại học là niềm tự hào lớn nhất trong đời. Ngược lại, con thi rớt đại học thì trở thành nỗi thất vọng lớn, thậm chí có người cho rằng đó là một sự xấu hổ cho gia đình, dòng họ.
Tuy nhiên, vào được đại học, liệu có bảo đảm thành công cho tương lai của các em? Thực tế, không ít sinh viên đã lọt qua cánh cửa hẹp để vào các trường đại học nhưng hoàn toàn không thích thú gì với việc học hành, cũng không có bất cứ định hướng rõ ràng nào về công việc mình sẽ làm trong tương lai. Có vẻ như môi trường đại học không phải là lựa chọn phù hợp với các em. Bởi thế, suốt quãng thời gian học đại học, các em sao nhãng học tập, không tích lũy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết để đáp ứng các yêu cầu công việc của xã hội. Kết quả, các em dù có bằng đại học vẫn thất bại trong nghề nghiệp, ra trường không kiếm nổi một việc làm. Thực tế đến nay đã có hàng trăm ngàn sinh viên đại học ra trường mà vẫn thất nghiệp.
Tư tưởng sùng bái con đường vào đại học còn là do dư luận xã hội tạo nên trong đó có các cơ quan thông tin đại chúng. Trên mặt báo người ta vẫn luôn thấy những chuyện như nhà nghèo nuôi 4-5 con học đại học. Có những ông bố bà mẹ phải bán nhà, bán đất, bán cả máu hay phải đi ăn xin để nuôi con học đại học. Bất cứ “tấm gương” nào như thế, dư luận đều ca ngợi hết lời. Xã hội cổ súy, trầm trồ tung hô, lấy đó làm gương cho người khác. Có cần như vậy không? Có cần vào đại học bằng mọi giá không?
Nên chăng đã đến lúc cần phải thay đổi cách nhìn con đường lập thân, lập nghiệp. Không nhất thiết phải chức vụ cao, bằng cấp nhiều mới đáng được nể trọng. Học tập là cần thiết nhưng con người có thể học bằng nhiều cách khác nhau, trong đó quan trọng nhất là tự học. Ngoài ra, mỗi cá nhân cũng có những năng lực và niềm đam mê khác nhau, không thành công trên con đường học đại học, họ vẫn có thể phát triển bản thân ở những con đường khác.
Tạp chí Time từng đưa ra danh sách 10 người bỏ học, không có bằng đại học mà vẫn thành công nhất ở Mỹ cũng như trên thế giới. Họ đã không đi theo con đường truyền thống là trải qua quá trình học tập tại trường đại học, cao đẳng; nhưng với những nỗ lực phi thường, họ vẫn vươn tới những đỉnh cao ở rất nhiều lĩnh vực trong xã hội. Tiêu biểu như Bill Gates, nhà sáng lập tập đoàn Microsoft. Ông được xem là người giàu nhất thế giới trong hơn một thập kỷ; hiện nay, dù không ở vị trí đầu bảng, ông vẫn nằm trong danh sách những người giàu nhất thế giới.
Bill Gates vào Đại học Harvard từ mùa thu năm 1973. Hai năm sau, ông bỏ học để thành lập hãng Microsoft cùng với người bạn Paul Allen. Năm 2007, dù không có bằng tốt nghiệp Đại học, Bill Gates vẫn được Trường Harvard trao bằng Tiến sĩ danh dự. Tại buổi lễ phát bằng, Bill Gates phát biểu rất vui vẻ và hài hước: “Tôi là một người gây ảnh hưởng xấu. Đó là lý do tại sao tôi được mời đến dự lễ tốt nghiệp của các bạn. Nếu tôi đến dự và phát biểu tại lễ nhập học của các bạn, có lẽ số người dự buổi lễ tốt nghiệp hôm nay sẽ ít hơn”.
Mặt khác, ngành giáo dục và các ngành chức năng phải tính toán quy hoạch phát triển các trường đại học phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động, tránh việc đào tạo dư thừa lãng phí. Nhà nước cũng cần có chính sách nhanh chóng nâng cao thu nhập và chất lượng sống cho những người lao động trực tiếp, nhất là công nhân và nông dân. Đừng để mỗi khi nhắc tới lực lượng lao động này người ta chỉ thấy cảnh sống cực khổ, nheo nhóc, bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Có vậy mới mong giảm bớt áp lực vào đại học; không xem học đại học là con đường duy nhất để vào đời.
Minh Hiếu