Giúp người nghèo ở An Lão an cư, ổn định cuộc sống
Ðầu tháng 12.2022, UBND tỉnh ban hành Ðề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện An Lão thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Ðề án đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn bộ 385 hộ nghèo, cận nghèo của huyện miền núi này sẽ tạo dựng được nơi ở an toàn, ổn định, đảm bảo cuộc sống lâu dài và bền vững.
Trong tổng số 385 hộ được hỗ trợ, có 142 hộ nghèo và 243 hộ cận nghèo. Tiến độ thực hiện: Năm 2022 thực hiện bình xét, lập danh sách số hộ được hỗ trợ; năm 2023 hỗ trợ 150 hộ; năm 2024 hỗ trợ 150 hộ tiếp theo; năm 2025 hỗ trợ 85 hộ còn lại.
Mùa khô thì nóng, mùa mưa thấm dột
Thông tin toàn bộ 60 hộ nghèo và 19 hộ cận nghèo của xã An Tân được xét hỗ trợ kinh phí xây, sửa nhà ở đã làm Chủ tịch UBND xã Lê Phước Lưu hết sức phấn khởi. Ông Lưu cho hay, đa phần số hộ được xét cấp hỗ trợ có nhà xây lâu năm, nay đã xuống cấp nghiêm trọng, trong đó có một số căn được xây từ nguồn hỗ trợ xây dựng nhà ở giai đoạn trước. Chủ nhân của những căn nhà này thuộc hai nhóm: Đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo do mất sức lao động, không có đất canh tác.
Trao nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo xã An Hưng. Nguồn: anlao.binhdinh.gov.vn
Trừ xã An Hưng không còn nhà ở đơn sơ, 8 xã còn lại cùng thị trấn An Lão của huyện An Lão đều có những hộ đang sống trong những căn nhà mùa khô thì nóng, mùa mưa thì dột. Theo kết quả khảo sát của Sở Xây dựng, các hộ nghèo đang gặp khó khăn về nhà ở trên địa bàn huyện An Lão, đặc biệt là số hộ ở xã vùng sâu, vùng xa hầu hết nhà ở là dạng nhà sàn có diện tích dưới 30 m2, làm bằng vật liệu thô sơ, sẵn có tại chỗ như đất, tranh, tre, nứa, lá hay gỗ kết hợp đất.
Sử dụng những loại vật liệu như vậy khiến cho căn nhà có tuổi thọ không quá 5 năm, kết cấu không đồng bộ nên rất nhanh hư hỏng, xuống cấp. Chưa kể, do diễn biến thời tiết bất thường, một số xã như An Vinh, An Dũng, An Toàn... xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh, làm tốc mái nhiều nhà ở, đặc biệt là nhà ở tạm bợ của người nghèo.
Nhà mới có tuổi thọ 20 năm trở lên
Phân tích thực tế như thế để thấy Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện An Lão thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được tỉnh triển khai có ý nghĩa nhường nào đối với sự an cư, ổn định chỗ ở cho người nghèo của huyện nghèo duy nhất tỉnh.
Đề án yêu cầu sau khi được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa, nhà ở phải đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30 m2, đảm bảo “3 cứng” (nền - móng cứng, khung - tường cứng, mái cứng) và tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên. Các bộ phận nền - móng, khung - tường, mái của căn nhà phải được làm từ các loại vật liệu có chất lượng tốt, không được làm từ các loại vật liệu tạm, mau hỏng, dễ cháy.
Theo ông Nguyễn Văn Tặng, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện An Lão, “nền - móng cứng” là nền - móng nhà làm bằng các loại vật liệu như vữa xi măng - cát, bê tông, bê tông cốt thép, gạch lát, gỗ... “Khung - tường cứng” bao gồm hệ thống khung, cột, tường từ các loại vật liệu: bê tông cốt thép, sắt, thép, gỗ bền chắc; tường xây gạch/đá hoặc làm từ gỗ bền chắc. Còn “mái cứng” gồm hệ thống đỡ mái và mái lợp có thể làm từ các loại vật liệu như bê tông cốt thép, sắt, thép, gỗ bền chắc...
“Do tình hình trượt giá, tỉnh đang trình các bộ, ngành liên quan mức hỗ trợ mới là 60 triệu đồng (xây mới) và 30 triệu đồng (sửa chữa), cao hơn mức cũ đã được áp dụng trong giai đoạn trước tương ướng là 40 triệu đồng - 20 triệu đồng, ông Tặng thông tin.
Nhiều hộ dân nghèo ở An Lão đã phấn khởi khi biết họ có thể tự xây, sửa nhà theo kinh nghiệm, truyền thống, phù hợp với điều kiện kinh tế, sinh hoạt của gia đình, đảm bảo tiêu chí tối thiểu về diện tích, chất lượng theo quy định. Số chủ hộ cao tuổi, neo đơn, tàn tật... không có khả năng tự làm cũng không quá lo bởi UBND cấp xã sẽ chỉ đạo Đoàn Thanh niên cùng các tổ chức đoàn thể giúp đỡ. Hiện tại, đa số hộ nghèo đang cố gắng xoay xở để cùng với khoản kinh phí được hỗ trợ, căn nhà sẽ to, đẹp thêm.
“Những ngôi nhà được xây, sửa theo nguyên tắc: Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tự tổ chức xây, sửa đảm bảo yêu cầu đặt ra. Công tác giám sát quá trình thi công diễn ra chặt chẽ từ cấp thôn. Sau khi nghiệm thu chất lượng căn nhà với sự có mặt của các bên liên quan thì mới trao tiền hỗ trợ”, bà Lê Thị Thu Hằng, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH (cơ quan Thường trực Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của huyện An Lão), cho biết.
NGỌC TÚ