Mỹ tính cung cấp thiết bị mới hỗ trợ Ukraine nhắm vào các đơn vị và sở chỉ huy Nga
Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đang lên kế hoạch cung cấp cho Ukraine các thiết bị điện tử tiên tiến có thể chuyển vũ khí không dẫn đường thành bom thông minh nhằm nhắm vào các vị trí của đối phương với độ chính xác cao, các quan chức cấp cao Mỹ cho hay.
Bộ thiết bị này tích hợp các thiết bị định vị toàn cầu để đảm bảo độ chính xác, cũng như có thể gắn trên các vũ khí khác nhau, tạo nên vũ khí mà Lầu Năm Góc gọi là Bom tấn công trực diện phối hợp (Joint Direct Attack Munition - JDAM).
Quân đội Mỹ đã sử dụng công nghệ này trên các quả bom có trọng lượng lên tới hơn 900kg, thường phối hợp với máy bay ném bom và chiến đấu cơ.
Một thành viên của Lực lượng Không quân Mỹ đang điều chỉnh Bom tấn công trực diện phối hợp (Joint Direct Attack Munition - JDAM) để gắn vào tiêm kích F-16. Ảnh: Jessica Blair
Hiện chưa rõ liệu chính quyền Tổng thống Mỹ Biden và các cố vấn an ninh quốc gia cấp cao đã thông qua đề xuất chuyển giao JDAM cho Ukraine hay chưa. Các nguồn tin giấu tên thân cận với vấn đề không tiết lộ cụ thể liệu các lực lượng Ukriane sử dụng các bộ thiết bị trên trên chiến đấu cơ hay các vũ khí phóng từ mặt đất, hoặc các hệ thống nào ở Ukraine sẽ được lắp đặt công nghệ này.
Lực lượng Không quân Ukraine chủ yếu dựa vào chiến đấu cơ MiG thời Liên Xô và Lầu Năm Góc đã tìm cách để nâng cấp chúng thay vì cung cấp các máy bay chiến đấu của phương Tây hiện đại hơn, vốn yêu cầu các phi công của Mỹ và các đơn vị bảo trì đảm nhiệm việc huấn luyện phức tạp cho quân đội Ukraine.
Trước đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã trang bị cho Ukraine một số vũ khí hiện đại như tên lửa chống bức xạ tốc độ cao phóng từ trên không (HARM) để nâng cao khả năng của Ukraine nhằm tiến hành các cuộc không kích. Tuy nhiên, các vũ khí này có chức năng khác với JDAM được dẫn đường bằng GPS, vốn truy tìm bức xạ phát ra từ các đơn vị và sở chỉ huy Nga.
Nếu việc vận chuyển JDAM diễn ra, điều đó sẽ đánh dấu một bước tiến đáng kể mới của Washington nhằm giúp Ukraine đối phó với quân đội Nga khi hỗ trợ Kiev cách thức mới mới để nhắm vào các đơn vị và sở chỉ huy của Nga. Từ tháng 6.2022, Ukraine chủ yếu dựa vào hệ thống pháo phản lực HIMARS do Mỹ sản xuất để làm gián đoạn các tuyến hậu cần của Nga.
Điện Kremlin đã phản ứng mạnh mẽ trước các gói hỗ trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine, đồng thời cảnh báo xung đột có thể leo thang thành cuộc chiến với NATO. Vì lẽ đó, chính quyền Tổng thống Biden luôn thận trọng trong việc thông qua các vũ khí mới có thể bị Nga coi là hành vi leo thang.
Ngày 13.12, các quan chức cấp cao Mỹ nhận định với Washington Post rằng Lầu Năm Góc đang chuẩn bị cung cấp cho Ukraine hệ thống tên lửa Patriot - vũ khí phòng không tiên tiến nhất của quân đội Mỹ. Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden chưa thông qua động thái trên song có thể sẽ thực hiện điều này sớm.
Các nhà lãnh đạo Ukraine đã kêu gọi phương Tây hỗ trợ nước này tăng cường năng lực phòng không giữa bối cảnh Nga tiến hành các cuộc tấn công liên tục vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine. Việc vận chuyển Patriot - vốn dựa vào hệ thống radar và các tên lửa tầm xa để đối phó với các mối đe dọa, sẽ đáp ứng một trong những yêu cầu lớn nhất và thường xuyên nhất của Kiev với Washington.
Đến nay, Mỹ cam kết hỗ trợ an ninh 20 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ngày 24.2.
Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng ngày 12.12 cho biết chính quyền Mỹ tập trung vào việc hỗ trợ Ukraine nhằm làm suy yếu khả năng của Nga để đạt được lợi thế trên chiến trường, cũng như dự đoán rằng Mỹ sẽ sớm thông báo về các đợt vận chuyển vũ khí mới cho Ukraine.
Theo Kiều Anh (VOV.VN)