Vở tuồng “Khí tiết rạng trời Nam”: Ngợi ca Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực
Vở tuồng mới Khí tiết rạng trời Nam (kịch bản: Đoàn Thanh Tâm, đạo diễn: NSND Nguyễn Ngọc Bình) vừa được Đoàn tuồng Đào Tấn (thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh) diễn báo cáo thành công. Vở diễn khắc họa chân dung người Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực - một người con quê gốc Bình Định - thủ lĩnh nghĩa quân kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở Nam bộ, lập nên nhiều chiến công lẫy lừng.
Mặc dù đã dàn dựng rất nhiều vở diễn ca kịch Huế, chèo, cải lương, kịch nói, tuồng, song khi đến Bình Định để dàn dựng vở tuồng về anh hùng Nguyễn Trung Trực, đạo diễn NSND Nguyễn Ngọc Bình cho biết “thấy có áp lực lớn”. Ông chia sẻ: “Muốn vở diễn thành công mình phải làm nổi bật được cái chất “đất Võ Bình Định” trong tâm hồn Nam bộ đầy bản lĩnh của Nguyễn Trung Trực. Đây là cả một vấn đề đối với tôi. Dù vậy nhờ sự phối hợp chặt chẽ của ê kíp từ tác giả kịch bản, đến họa sĩ, biên đạo múa… cùng 19 nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn tuồng Đào Tấn, sau gần 2 tháng tập trung làm việc, tôi tạm hài lòng khi vở diễn thành công, tạo được ấn tượng tốt”.
Một cảnh trong vở tuồng Khí tiết rạng trời Nam. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Theo dõi vở diễn, khán giả đã bị cuốn hút ngay màn khai từ với đặc cảnh nhân vật Nguyễn Trung Trực nói lớn: “Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa/ Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần”, rồi chỉ huy nghĩa quân tiến lên đốt cháy tàu Hy Vọng của giặc Pháp. Kèm theo đó là hình ảnh ước lệ của những cây dừa nước, chiếc mỏ neo… xuất hiện trên sân khấu tái hiện trận đánh tàu Hy Vọng, cộng với hiệu ứng âm thanh, ánh sáng khiến người xem cuốn theo dòng chảy cảm xúc dâng tràn.
NSND Nguyễn Ngọc Bình cho biết: Để nêu bật được tinh thần oai linh lẫm liệt, khí phách hiên ngang, tài trí hơn người của anh hùng Nguyễn Trung Trực, tôi đầu tư nhiều lớp kịch với những đại cảnh. Những lớp kịch ấy vừa hấp dẫn khán giả trong chi tiết, vừa bao quát được tầm vóc lớn lao của sự kiện, nhân vật. Trong chừng mực nào đó, tôi tâm đắc với lớp đốt cháy tàu Hy Vọng, đánh chiếm đồn Rạch Giá, sự căm phẫn khi đồng bào miền Nam vô tội bị giặc Pháp tàn sát…
2. Vở Khí tiết rạng trời Nam chinh phục nhiều người xem, trong đó có nhiều khán giả mộ tuồng, đầu tiên là nhờ chi tiết sáng tạo thú vị.
Đầu tiên là hình ảnh những cây dừa nước di chuyển liên tục trên sân khấu, tính động của hình ảnh gợi nhớ đến sông nước miền Nam vừa bao la êm đềm khi che chắn nghĩa quân, khi bao vây quân thù lại cuồn cuộn, dồn dập gấp gáp; hơn nữa dòng chảy của hình ảnh còn gợi đến mối liên kết liền lạc với quê hương bản quán của người anh hùng thủ lĩnh nghĩa quân - xứ dừa Bình Định. Đan xen với nét miên man như nước bất tận ấy là những màn biểu diễn võ cổ truyền Bình Định dứt khoát, mạnh mẽ trong những trận đánh của nghĩa quân. Chất mộc mạc miền Trung quyện cùng nét thô hào Nam bộ khiến ngọn lửa đấu tranh chống thực dân Pháp thêm hừng hực, làm người xem rung cảm trước tinh thần yêu nước giản dị của đồng bào miền Nam.
“Là người con quê gốc Bình Định, nhưng cuộc đời và sự nghiệp của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực lại gắn liền với vùng đất Nam Bộ. Khi viết vở tuồng Khí tiết rạng trời Nam, tôi đầu tư rất nhiều để truyền tải chất thượng võ, mạnh mẽ của người Bình Định bàng bạc trong nét hào sảng, trượng nghĩa Nam bộ. Để làm được điều này tôi kết hợp giữa chính sử với chất liệu giai thoại dân gian!”.
Tác giả kịch bản ĐOÀN THANH TÂM
NSND Nguyễn Ngọc Bình cho biết thêm: Khi xây dựng lớp diễn Nguyễn Trung Trực cùng với nghĩa quân của mình đi nhặt từng chiếc khăn rằng trên đảo Phú Quốc như nhặt từng thi thể của đồng bào miền Nam bị thực dân Pháp tàn sát để chôn cất thành một nấm mồ tập thể, tôi cố gắng kết hợp cả hình ảnh trang trí sân khấu, biểu cảm của từng nghệ sĩ và cả âm nhạc. Tôi muốn chinh phục trọn vẹn cảm xúc của khán giả, khiến lòng họ dâng tràn nghẹn ngào, thấy mình như được kéo đến gần sát sân khấu cho dù họ ở tận hàng ghế cuối!
Đặc biệt, cuộc gặp gỡ của má Hai (mẹ Nguyễn Trung Trực) và Nguyễn Trung Trực trong nhà giam - ông muốn được mẹ ôm vào lòng và ru con như thuở còn thơ - được đặt vào không gian của những làn điệu hát ru Bình Định quyện cùng âm hưởng dân ca Nam Bộ, cùng với đó là lời thoại, diễn xướng… Để làm toát lên thần thái của các nhân vật quan trọng này, cả sự im lặng lắng sâu cũng có giá trị biểu cảm riêng của nó.
Hồi kết của vở diễn cũng chinh phục người xem khi được ê kíp dàn dựng công phu với đặc cảnh đồng bào Nam Bộ mang đến pháp trường những chiếc chiếu Tà Niên có in chữ “Thọ” bên trên và trải ra trên đường Nguyễn Trung Trực bước lên đoạn đầu đài. Khi Nguyễn Trung Trực khẳng khái, dõng dạc câu nói bất hủ “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam, thì mới hết người Nam đánh Tây” thì âm nhạc đã nâng ông lên trong chất ngất lẫm liệt. Có thể nói dư vị của dòng cảm xúc kính phục mãnh liệt đối với người anh hùng cứ ngân nga rất lâu sau đó cả khi tấm màn nhung đã khép lại.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN