Công tác quản lý giá và tài sản công: Thực hiện chặt chẽ, hiệu quả
Năm 2022, Sở Tài chính đã triển khai nhiều biện pháp bình ổn giá phù hợp, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng tài sản công. Phóng viên Báo Bình Định phỏng vấn bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Giám đốc Sở Tài chính, xung quanh vấn đề này.
* Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, tác động đến nhiều lĩnh vực, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Sở Tài chính đã làm gì để hạn chế những ảnh hưởng xấu đó, thưa bà?
- Trong bối cảnh giá cả hàng hóa, thị trường tiêu thụ sản phẩm biến động mạnh, chúng tôi chủ động, linh hoạt triển khai nhiều biện pháp bình ổn giá, góp phần ổn định thị trường, kìm chế lạm phát.
Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp bình ổn giá theo thẩm quyền. Đặc biệt, từ tháng 2.2022, khi giá một số mặt hàng vật liệu xây dựng, nhất là giá thép, xi măng tăng đột biến đã tác động lớn đến công tác đầu tư công, Sở Tài chính chủ động phối hợp với Sở Xây dựng kịp thời công bố điều chỉnh giá thép xây dựng, xi măng... phù hợp với mặt bằng giá thị trường; đồng thời tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định bổ sung kịp thời mặt hàng đá và cát xây dựng vào danh mục hàng hóa phải thực hiện kê khai giá. Điều này giúp bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân, DN và nhà nước.
Cùng với đó là tích cực ứng dụng công nghệ vào hoạt động quản lý giá; tích cực tư vấn, hướng dẫn các tổ chức, DN, cá nhân thực hiện kê khai giá trên phần mềm quản lý giá trực tuyến của tỉnh. Đồng thời tổ chức kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về kê khai giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết tại 42 DN kinh doanh dịch vụ cảng biển, xăng dầu, xi măng, sắt thép, các mặt hàng vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi... Kết quả cho thấy, hầu hết các DN đều thực hiện đúng quy định pháp luật về giá và điều này góp phần không nhỏ vào việc ổn định tình hình trên địa bàn tỉnh ta.
* Công tác quản lý tài sản công thì sao, thưa bà?
- Điểm nổi bật trong công tác quản lý tài sản công là việc sắp xếp lại và xử lý đối với 3.279 cơ sở nhà, đất thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh. Theo đó, năm 2022 tỉnh giữ lại, tiếp tục sử dụng 3.110 cơ sở nhà, đất; thu hồi 37 cơ sở; điều chuyển 50 cơ sở; chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý 66 cơ sở; bán đấu giá công khai tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất 16 cơ sở dôi dư. Tổng số tiền nộp vào ngân sách nhà nước từ việc bán đấu giá công khai tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với 16 cơ sở nhà, đất là 160 tỷ đồng. Công tác quản lý tài sản công được thực hiện đảm bảo đúng định mức quy định, tài sản công được sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả.
Người dân mua sắm tại Siêu thị Co.opmart Quy Nhơn. Ảnh: TIẾN SỸ
Ngoài ra, năm 2022 Sở Tài chính còn tổ chức đấu thầu thành công 5 gói thầu mua sắm tập trung qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia với tổng giá trị trúng thầu là 61,3 tỷ đồng, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hơn 1,6 tỷ đồng. Các tài sản được mua sắm đều thực hiện đúng quy định của Nhà nước, đảm bảo chất lượng, đáp ứng kịp thời nhu cầu của các cơ quan, đơn vị.
Sở Tài chính cũng đã tham mưu UBND tỉnh phương án sắp sếp, xử lý xong 169 xe ô tô theo đúng quy định của Nghị định 04/2019 của Chính phủ.
* UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo tăng cường các biện pháp quản lý giá dịp cuối năm, nhằm ổn định tình hình kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Sở Tài chính sẽ tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nào?
- Sở Tài chính sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá và công tác điều hành giá của Chính phủ, của tỉnh. Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi sát tình hình, diễn biến giá cả thị trường để kịp thời đề xuất, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các biện pháp bình ổn giá phù hợp, đúng thẩm quyền, quy định của pháp luật, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tăng cường đôn đốc, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá thực hiện nghiêm túc việc kê khai giá tại Sở Tài chính. Đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ mức giá kê khai; kiên quyết dừng các trường hợp kê khai tăng giá không phù hợp với tác động của các yếu tố đầu vào và mặt bằng giá cả thị trường; kiểm tra các yếu tố hình thành giá khi có biến động bất thường, kịp thời xử lý các sai phạm.
* Xin cảm ơn bà!
PHẠM TIẾN SỸ (Thực hiện)