Thu hút khách quốc tế tăng trở lại: Cần sửa quy định cấp visa
Theo Tổng cục Thống kê, 10 tháng đầu năm 2022, Việt Nam chỉ đón hơn 2 triệu lượt khách quốc tế, gấp hơn 18 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng chưa thể đạt mục tiêu 5 triệu khách quốc tế đề ra.
Ông Vũ Văn Tuyên - Tổng giám đốc Công ty Du lịch Travelogy cho rằng cao điểm du khách quốc tế đến Việt Nam kéo dài từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau, vậy nên khi mở cửa du lịch quốc tế vào ngày 15.3 - thấp điểm mùa du lịch khiến lượng khách không được như kỳ vọng.
“Việt Nam đã mở cửa đối với khách du lịch quốc tế vào ngày 15.3.2022, nhưng đó là mùa thấp điểm của khách du lịch quốc tế. Mùa cao điểm bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau. Chúng ta đã mất gần sáu tháng để có thể đón đầu các du khách quốc tế vào Việt Nam”, ông Vũ Văn Tuyên nói.
Lễ hội áo dài 2022 được tổ chức mới đây với kỳ vọng tạo điểm nhấn thu hút du khách đến với Hà Nội
Ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing Công ty Du lịch BestPrice cho rằng bên cạnh thời điểm mở cửa, quy định về visa của Việt Nam cũng khiến khách du lịch “ngại” quay lại.
“Việc hỗ trợ visa của chúng ta chậm dẫn đến khách chưa nhiều. Khách du lịch vào Việt Nam chỉ có 15 ngày miễn visa là một cản trở khi một tour cho khách vào khoảng 10-15 ngày, thậm chí 20-30 ngày cho một tour xuyên việt”, ông Bùi Thanh Tú lý giải.
Mở chính sách để du lịch “cất cánh”
Để du lịch quốc tế thực sự hồi phục trong năm 2023, việc đẩy mạnh phát triển văn hóa, đặc biệt là văn hóa ẩm thực được nhiều chuyên gia quan tâm. Bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội nhận định ẩm thực là một trong những thế mạnh của Hà Nội. Trong năm 2022, Hà Nội cũng được bình chọn là điểm đến có ẩm thực tốt nhất. Đây là cơ hội để Việt Nam quảng bá nhiều hơn về Hà Nội và Việt Nam đến quốc tế.
“Chúng tôi sẽ xây dựng những sản phẩm về ẩm thực để thu hút khách đến với Hà Nội và trải nghiệm ẩm thực của Hà Nội cũng như của Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng theo kế hoạch vào tháng 3.2023 sẽ có nhà hàng sao Michelin đầu tiên. Đây là cơ hội tốt để quảng bá ẩm thực của Hà Nội, của Việt Nam. Ẩm thực là một trong những tài nguyên mà lâu nay chúng ta vẫn phát huy, nhưng chưa đạt kết quả”, bà Đặng Hương Giang nói.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation nhận định, khách quốc tế vẫn chưa tới Việt Nam nhiều, lý do đầu tiên là “khóa” visa. Dù mở cửa từ đầu năm nhưng đến nay, khách xin visa vào Việt Nam rất khó khăn, đặc biệt là khách đi tự túc. Trong khi đó, ngay khi vừa đón khách quốc tế, Thái Lan đã lập tức điều chỉnh chính sách visa, kéo dài thêm thời gian lưu trú cho nhiều loại khách để nhanh chóng mở thị trường.
Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến du lịch còn yếu và chính sách giá bất cập. Bản thân Vietravel đã phải tự bỏ chi phí, phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại một số nước để chủ động mở rộng thị trường.
Ông Kỳ nêu khó khăn liên quan đến nguồn vốn, ngay cả Vietravel là tập đoàn du lịch đầu ngành cũng không cách nào tiếp cận được vốn vay tín dụng. Khi không có dòng vốn để đầu tư, hệ thống khách sạn, dịch vụ sẽ buộc phải tăng giá bán để duy trì hoạt động kinh doanh. Giá cao, thị trường khó, không có khách, doanh nghiệp lại rơi vào vòng luẩn quẩn.
(Theo HIỂU MINH - GIA LINH/TPO)