TP Quy Nhơn nỗ lực quản lý rác thải nhựa đại dương
Sau hơn 2 năm triển khai, Dự án “Quản lý tổng hợp rác thải nhựa vịnh Quy Nhơn” đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng ngư dân về bảo vệ môi trường biển và đại dương.
Dự án “Quản lý tổng hợp rác thải nhựa vịnh Quy Nhơn” (gọi tắt là Dự án) do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam), Chương trình tài trợ nhỏ - Quỹ môi trường toàn cầu (GEF/SGP), Chính phủ Na Uy tài trợ, UBND TP Quy Nhơn đối ứng kinh phí; thực hiện xong giai đoạn 1 từ tháng 8.2020 - 10.2022 tại 4 xã, phường TP Quy Nhơn, gồm: Nhơn Châu, Nhơn Lý, Nhơn Hải, Ghềnh Ráng, đã giúp các địa phương nâng cao năng lực quản lý rác thải tổng hợp đạt hiệu quả tích cực.
Theo đó, xã đảo Nhơn Châu thành lập tổ thu gom rác thải, cấp 518 thùng rác ba ngăn để người dân phân loại rác thải tại nguồn, xây dựng mô hình làm phân compost sử dụng trồng rau tại 50 hộ dân. Riêng rác thải khó phân hủy, xã thu gom và thuê phương tiện vận chuyển (3 - 4 lần/tháng) từ đảo về đất liền để Công ty CP Môi trường Bình Định đưa đi xử lý.
Ông Hồ Nhật Lệ, Chủ tịch UBND xã Nhơn Châu, cho biết: Dự án đã giúp nâng cao nhận thức người dân cùng chung tay giữ gìn môi trường sạch đẹp, giúp xã thực hiện tốt tiêu chí môi trường, phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao vào năm 2024. Tỉnh và thành phốđã hỗ trợ xã hơn 11 tỷ đồng xây dựng lò đốt rác thải công suất 330 kg/giờ, dự kiến đầu quý II/2023 sẽ đưa lò vào hoạt động, khi đó năng lực xử lý rác thải của địa phương sẽ tốt hơn trước rất nhiều.
Với sự hỗ trợ của Dự án, xã Nhơn Hải triển khai mô hình phân loại rác thải tại nguồn, nhà hàng phục vụ du lịch, sử dụng vật dụng hạn chế rác thải nhựa, áp dụng quy định 100% hộ dân bỏ rác đúng nơi, theo giờquy định từ 17 - 22 giờ hằng ngày… Ông Nguyễn Tôn Xuân Sáng, Giám đốc HTX Dịch vụ Du lịch - Thủy sản Nhơn Hải, cho biết: Rác thải nhựa được người dân giữ lại, phân loại bán cho những người thu mua ve chai, còn rác thải sinh hoạt thông thường được HTX thu gom, Công ty CP Môi trường Bình Định vận chuyển đi xử lý tần suất 1 lần/ngày, rác thải nguy hại thu gom 2 - 3 lần/tuần. HTX cũng được giao quản lý, bảo vệ 12,1 ha rạn san hôtại đảo Hòn Khô để làm du lịch cộng đồng, chúng tôi thường xuyên lặn xuống biển thu gom rác thải trôi tấp vào rạn san hô để bảo vệ hệ sinh thái biển, khai thác tài nguyên du lịch bền vững.
HTX Dịch vụ Du lịch - Thủy sản Nhơn Hải thu gom rác thải dưới rạn san hô. Ảnh: XUÂN SÁNG
Dự án cũng hỗ trợ xã Nhơn Lý xây dựng 4 môhình quản lý rác thải. Ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý, cho hay: Trong 4 mô hình, thì mô hình bãi biển du lịch không rác thải nhựa phát huy hiệu quả cao nhất. Bên cạnh bố trí các thùng rác, điện chiếu sáng, pa nô tuyên truyền dọc bãi biển, việc lắp 2 camera giám sát để theo dõi an ninh, quản lý môi trường trên bãi biển khiến người dân nâng cao ý thức, chấm dứt tình trạng đổ rác, xà bần, chất thải ra bãi biển như trước. Nhờ vậy, cảnh quan môi trường của xã sạch đẹp hơn.
Nhìn chung, Dự án triển khai góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng ngư dân vịnh Quy Nhơn trong việc giảm thiểu rác thải nhựa để bảo vệ môi trường biển và đại dương. TS Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản - chuyên gia của Dự án, bày tỏ: Không chỉ tác động đến nhận thức cộng đồng, động viên ngư dân sinh sống ở vùng vịnh Quy Nhơn chung tay bảo vệ môi trường, mà đặc biệt Dự án còn nâng cao vai trò của phụ nữ làm nghề nhặt ve chai, buôn bán phế liệu, thu gom rác thải ở các địa phương này! Những người xây dựng và vận hành Dự án khẳng định đây là những người góp phần thành công rất lớn trong công tác chống rác thải nhựa đại dương.
Với những thành công rất đáng phấn khởi từ Dự án “Quản lý tổng hợp rác thải nhựa vịnh Quy Nhơn”, các nhà tài trợ đã quyết định tiếp tục hỗ trợ TP Quy Nhơn triển khai Dự án “Thí điểm các mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải ngành thủy sản nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại TP Quy Nhơn” (thực hiện từ năm 2022 - 2024) hướng tới mục tiêu thực hiện các mô hình quản lý chất thải bền vững giúp cải thiện sinh kế cho đối tượng lao động về chất thải.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN