Việt Nam kêu gọi vượt qua thách thức, thực hiện các mục tiêu SDG
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho rằng các nước thành viên G77 cần đẩy nhanh cải cách WTO, thúc đẩy mở cửa thị trường, hạn chế tối đa các rào cản thương mại không cần thiết.
Ngày 15-16.12, Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Nhóm các nước đang phát triển G77 và Trung Quốc đã diễn ra tại Trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố New York, Mỹ theo sáng kiến của Pakistan - nước Chủ tịch G77 năm 2022.
Toàn cảnh Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Nhóm các nước đang phát triển G77 và Trung Quốc. (Ảnh: TTXVN)
Hội nghị được tổ chức nhằm tìm kiếm giải pháp “Thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG): Giải quyết thách thức hiện nay và Thích ứng với khủng hoảng trong tương lai.”
Tham dự hội nghị có hơn 300 đại biểu, gồm bộ trưởng, thứ trưởng, đại sứ-trưởng phái đoàn đến từ 131 nước thành viên nhóm G77 và đại diện các cơ quan liên quan của Liên hợp quốc.
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng và đại diện Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc đã tham dự hội nghị.
Các nước đánh giá thế giới đứng trước nhiều thách thức, đã và đang tác động đa chiều đến các nước đang phát triển là thành viên của G77, nhất là dịch COVID-19 kéo dài, nguy cơ suy thoái kinh tế, bất ổn tài chính-tiền tệ, lạm phát, nợ công, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực-năng lượng và gia tăng căng thẳng địa chính trị.
Hội nghị đã thông qua Văn kiện kết quả nhấn mạnh yêu cầu các bên liên quan cần hành động ngay để đạt được các SDG theo phương châm không bỏ ai lại phía sau.
Các ý kiến phát biểu cho rằng việc triển khai các biện pháp đồng bộ để hỗ trợ các nước đang phát triển vượt qua các nguy cơ ngắn hạn về lương thực, năng lượng, tài chính là rất cấp bách, nhất là hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, vốn ODA, hay tái cơ cấu nợ.
Trong dài hạn, hội nghị nhấn mạnh yêu cầu xây dựng một hệ thống kinh tế và tài chính quốc tế công bằng, bình đẳng và bao trùm, tăng cường tiếng nói và sự tham gia của các nước đang phát triển trong các cơ chế quản trị kinh tế toàn cầu; thúc đẩy chuyển đổi xanh, bền vững đi đôi với thích ứng biến đổi khí hậu, kêu gọi các nước phát triển thực hiện đầy đủ cam kết cung cấp tài chính ưu đãi 100 tỷ USD/năm.
Các đại biểu cũng đề xuất xây dựng các khuôn khổ hợp tác quốc tế về công nghệ, cụ thể như thiết lập Hiệp ước Số soàn cầu gắn với yêu cầu thực hiện các SDG.
Phát biểu tại hội nghị, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho rằng các nước thành viên G77 cần chung tay nỗ lực vượt qua thời điểm khó khăn, thách thức hiện nay, thúc đẩy phục hồi kinh tế-xã hội hậu dịch COVID-19 và phát triển bền vững trên tinh thần đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết và hợp tác quốc tế.
Trưởng đoàn Việt Nam nhấn mạnh vai trò động lực của thương mại và đầu tư trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững và bao trùm, hiện thực hoá các mục tiêu SDG, theo đó cần đẩy nhanh cải cách WTO, thúc đẩy mở cửa thị trường, hạn chế tối đa các rào cản thương mại không cần thiết.
Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò then chốt cho phát triển bền vững, bao trùm, lấy con người làm trung tâm.
Do vậy, cần đẩy mạnh hợp tác về khoa học, chuyển giao công nghệ, cung cấp nguồn tài chính ưu đãi cho phát triển đi đôi với đổi mới các biện pháp huy động tài chính thông qua hợp tác công-tư, xây dựng các mô hình tài chính hỗn hợp.
Việc tổ chức tiếp nối hai Hội nghị Bộ trưởng của Nhóm G77 và Trung Quốc trong năm 2022 đã cho thấy yêu cầu cấp bách trong tăng cường phối hợp chính sách, định hình ưu tiên và đẩy nhanh các hành động nhằm vượt qua khó khăn, duy trì tăng trưởng kinh tế và thực hiện các mục tiêu SDG.
Với tư cách là thành viên sáng lập của G77, trong thời gian qua, Việt Nam đã tham gia và đóng góp tích cực vào các hoạt động của Nhóm, góp phần bảo đảm lợi ích chung của các nước đang phát triển, thúc đẩy hợp tác Nam-Nam, đồng thời bảo đảm các ưu tiên, lợi ích phát triển của Việt Nam trên tinh thần chủ trương nâng tầm đối ngoại đa phương.
Bên lề sự kiện, trưởng đoàn Việt Nam đã chào và có các cuộc trao đổi với nhiều đại diện các nước như Cuba, Azerbaijan, Colombia, và Pakistan.
Các nước đánh giá cao kết quả phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong năm 2022, vai trò và đóng góp của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, nhất là Liên hợp quốc./.
(Theo Hải Vân-Quang Huy/TTXVN/Vietnam+)