TS Trần Văn Vinh: “Những cái gì gần gũi với ngư dân là tôi làm”
Là người gắn bó với công việc chuyên ngành thủy sản trong nhiều năm, bên cạnh công tác quản lý, TS Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) còn đam mê nghiên cứu, chế tạo nhiều thiết bị, sáng tạo nhiều giải pháp ứng dụng đáp ứng nhu cầu thực tiễn của ngư dân, đạt hiệu quả cao.
*Giải pháp tác động tốt đến bảo vệ môi trường
Dự án Quản lý tổng hợp rác thải nhựa Vịnh Quy Nhơn được Chương trình Phát triển Liên hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam), Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Chính phủ Na Uy hỗ trợ TP Quy Nhơn thực hiện, TS Trần Văn Vinh được mời làm chuyên gia Dự án và TP Quy Nhơn “đặt hàng” ông xây dựng thành công ứng dụng quản lý rác thải trên cơ sở dữ liệu của Google Maps.
*Từ đâu mà ông lại có ý tưởng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý rác thải?
- Trước đây, tôi cũng từng tham gia với vai trò là chuyên gia một số dự án hỗ trợ ngành Thủy sản tỉnh trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đến nhiều địa phương ven biển trong tỉnh, tôi nhận thấy phải làm sao để góp phần giải quyết ô nhiễm, bảo vệ môi trường sạch đẹp, hệ sinh thái biển bảo vệ tốt mới ổn định sinh kế lâu dài cho ngư dân. Tôi đã đề xuất nhiều giải pháp để các dự án hỗ trợ nhiều địa phương thành lập mô hình tổ thu gom rác thải, tổ cộng đồng bảo vệ san hô… mang lại hiệu quả thiết thực.
Tháng 8.2020, TP Quy Nhơn thực hiện Dự án Quản lý tổng hợp rác thải nhựa Vịnh Quy Nhơn với mục tiêu nâng cao năng lực quản lý rác thải tổng hợp, giảm thiểu rác thải nhựa tại 4 xã, phường ven biển: Nhơn Hải, Nhơn Châu, Nhơn Lý, Ghềnh Ráng thì tôi được “gửi gắm” lên ý tưởng thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý rác thải dựa vào cơ sở dữ liệu của Google Maps.
TS Trần Văn Vinh (bìa phải) trò chuyện cùng lãnh đạo Ban quản lý cảng cá tỉnh về xây dựng mô hình quản lý rác thải nhựa trên tàu cá tại cảng cá. Ảnh: NGỌC NHUẬN
* Ông có thể chia sẻ chi tiết hơn về giải pháp này?
- Để thực hiện việc này, tôi đã đi thực tế nhiều lần đến từng địa phương để khảo sát, nắm bắt thông tin về hoạt động thu gom, xử lý rác thải, cũng như những khó khăn vướng mắc trong công tác vệ sinh môi trường ở các địa phương. Sau đó đo đạc, xác định vị trí đặt thùng rác cố định và thùng rác di động trên máy định vị để vẽ sơ đồ, cập nhật từng vị trí, địa điểm lắp đặt thùng rác tại các địa phương trên hệ thống Google Maps. Tôi đã chuyển cơ sở dữ liệu quản lý rác thải trên hệ thống Google Maps cho TP Quy Nhơn để sau này phổ biến áp dụng cho 4 phường, xã, giúp nhân công thu gom, vận chuyển rác thải thuận lợi hơn khi nắm được đường đi gần nhất đến địa điểm tập kết rác để chuyển rác đi xử lý; chính quyền địa phương còn có thể quản lý các thùng rác một cách tiện lợi, dễ dàng, tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí.
Bản vẽ thiết kế “sọt rác” dành cho ngư dân của TS Trần Văn Vinh. Ảnh: NVCC
Sáng kiến dễ làm, dễ nhân rộng
Sau thành công thiết kế dữ liệu quản lý hoạt động thu gom rác thải trên hệ thống Google Maps, TS Trần Văn Vinh tiếp tục đưa ra sáng kiến về quản lý chất thải nhựa trên tàu cá và chế tạo ra sọt rác chuyên dùng cho tàu cá được ngư dân đánh giá là đơn giản nhưng hiệu quả cao. Không chỉ có vậy, sáng kiến này được UNDP, GEF đánh giá rất tốt và sẽ hỗ trợ để ngành thủy sản triển khai, phổ biến cho tàu cá trong toàn tỉnh.
*Có lẽ nhờ gắn bó sâu đậm với ngành thủy sản và đời sống ngư dân, ông mới có nhiều giải pháp hướng đến phục vụ đời sống ngư dân?
- Thì tôi là cán bộ của ngành thủy sản mà, hơn nữa tôi vốn sinh ra trong một gia đình làm nghề cá. Mọi thứ cứ đến với tôi rất tự nhiên vì lúc nào tôi cũng suy nghĩ về bà con ngư dân, về nghề cá! Trong quá trình nghiên cứu về quản lý rác thải, tôi nhận thấy một vấn đề - lượng rác thải nhựa từ ngư dân lao động trên tàu cá, nhất là tàu đánh bắt xa bờ phát thải ra môi trường rất nhiều, như chai nước, bì ny lông đựng hải sản… nếu ngư dân xả thải xuống biển sẽ tác động rất nghiêm trọng đến môi trường biển và đại dương. Ngoài việc ngăn chặn nguồn rác thải từ bờ, phải tiếp cận ngay với ngư dân để hoạt động trên tàu giảm phát thải rác, trước mắt phải làm sao để ngư dân dễ dàng thu gom lưu giữ rác thải nhựa trên tàu cá để đưa về bờ sau chuyến biển. Chính vì vậy, sau khi UNDP ký kết với UBND tỉnh và TP Quy Nhơn triển khai giai đoạn 2 của Dự án, tôi đã đề xuất ý tưởng xây dựng mô hình quản lý rác thải nhựa trên tàu cá.
Tôi đặt ra phương pháp, nội dung tiếp cận, cũng như phân loại rác thải nhựa trên tàu cá sao cho thuận tiện nhất cho bà con ngư dân và thiết kế ra một “sọt rác” dạng như túi đựng rác đảm bảo tính thẩm mỹ, an toàn, rẻ tiền, dễ dùng và thân thiện với môi trường.
“Sọt rác” được TS Vinh chế tạo giống như một ngư cụ gần gũi với ngư dân, dễ sử dụng nhưng mang lại hiệu quả cao. Ảnh: NVCC
* “Sọt rác” mà ông nói dành riêng cho ngư dân giống như một ngư cụ gần gũi với bà con…?
- Sinh ra và lớn lên ở vùng biển xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ nên tôi hiểu rõ nhu cầu của bà con ngư dân, nên khi tìm tòi, nghiên cứu những giải pháp, sáng chế các thiết bị tôi đều hướng đến phục vụ đời sống ngư dân. Những gì gần gũi, dễ làm, chi phí thấp, dễ áp dụng nhân rộng cho ngư dân là tôi làm. Cái “sọt rác” này là một ví dụ. Tôi lấy ý tưởng từ chiếc túi lưới mà ngư dân thường dùng đựng cá khi đi câu để lên thiết kế thành “sọt rác” với dạng túi dài như miệng phễu treo trên tàu cá đựng rác thải nhựa.
“Sọt rác” này được thiết kế dạng hình tròn, xoay tự do và chịu được tác động ngoại lực bởi sóng gió khi tàu hoạt động trên biển mà không bị biến dạng, có thể xếp lại tùy theo nhu cầu sử dụng, không chiếm nhiều diện tích trên tàu cá như các thùng rác bằng nhựa. Rác thải nhựa ngư dân dùng trên tàu, như: Chai nước, vỏ đồ hộp, vỏ lon bia, túi ny lông… được bỏ vào “sọt rác” qua phần miệng túi dạng ống tròn làm bằng lưới mềm thì không thể rơi ra ngoài. Khi tàu về bờ, ngư dân chỉ cần mở phần đuôi “sọt rác” để lấy rác là xong. Trong quá trình bà con ngư dân sử dụng “sọt rác” bị hư hỏng thì có thể dùng cước, ny lông để vá lại, rất tiện lợi, hiệu quả.
* Vậy còn việc quản lý lượng rác thải nhựa khi tàu về bờ thì sao?
- Cùng với chế tạo “sọt rác” dành cho ngư dân, tôi cũng đưa ra giải pháp và viết thành sổ tay quản lý rác thải nhựa sinh hoạt và sản xuất trên tàu cá để kiểm soát nguồn rác thải nhựa từ cảng cá khi tàu xuất bến và cập cảng trên một phần mềm có thể cài đặt trên điện thoại thông minh, máy tính bảng… Trước khi xuất bến, cảng cá sẽ cập nhật các dữ liệu về các loại thực phẩm, thức ăn liên quan đến rác thải nhựa của ngư dân mang lên tàu cá. Trong quá trình sử dụng, thu gom rác thải nhựa trên tàu cá bỏ vào “sọt rác” thì ngư dân cập nhật báo về cảng cá để việc kiểm soát lượng rác thải nhựa trên tàu cá được minh bạch, chặt chẽ.
Cảng cá cũng thành lập đội thu gom rác thải nhựa tàu cá để vừa kiểm soát, mua gom rác thải nhựa từ các tàu cá khi về bờ và phân loại, đưa đi tái chế, xử lý. Như vậy, ngư dân vừa có thu nhập, mà lại hạn chế được nguồn rác thải nhựa xuống biển và đại dương.
Các chuyên gia của UNDP Việt Nam vào Bình Định kiểm tra và đánh giá cao những việc chúng tôi và ngư dân đã làm. UNDP Việt Nam đã chính thức đưa việc thu gom xử lý kiểu này vào kế hoạch hỗ trợ và Ban quản lý cảng cá tỉnh đã cho triển khai. Trước mắt sẽ thực hiện thí điểm tại Cảng cá Quy Nhơn và 300 tàu cá của ngư dân Bình Định, sau này sẽ hỗ trợ nhân rộng cho cả tỉnh, thậm chí theo các chuyên gia UNDP Việt Nam họ sẽ báo cáo với UNDP để có thể triển khai trên cả nước.
*Xin cảm ơn ông!
TS Trần Văn Vinh (SN 1968, quê xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ) là tiến sĩ chuyên ngành Quản lý và khai thác thủy sản, hiện là Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT). Thời gian qua, ông có nhiều công trình nghiên cứu, sáng kiến như: Mô hình đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở đầm Thị Nại, các địa phương ven biển trong tỉnh; khai thác, bảo quản cá ngừ đại dương trên tàu cá câu tay kết hợp ánh sáng; mô hình sản xuất trên biển đội tàu câu cá ngừ đại dương Bình Định; xây dựng phần mềm tính phí, lệ phí đăng kiểm tàu cá; máy phơi hải sản bằng năng lượng mặt trời…
Với những đóng góp cho ngành Thủy sản tỉnh, từ năm 2001 đến nay, ông nhận được nhiều danh hiệu, giải thưởng về KH&CN, như: Huy hiệu Lao động sáng tạo năm 2000 và năm 2007; từ năm 2008 đến nay, ông đã đạt giải nhất, giải ba, giải khuyến khích Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Bình Ðịnh…
ĐOÀN NGỌC NHUẬN (Thực hiện)