Tháng Chạp đến và một nét văn hóa của người Việt
Người Việt không sáng tạo ra lịch pháp và cách phân chia mùa, tiết khí nhưng nếu truy tầm theo dấu vết xa xưa sẽ thấy, cách vận dụng sao cho hài hòa với phong tục tập quán, phù hợp với điều kiện đời sống của mình cho thấy người Việt rất sáng tạo và linh hoạt trong tiếp thu thành tựu văn minh nhân loại.
Người Việt thường nói một năm có tứ thời bát tiết, 4 mùa và 8 tiết khí chính mô tả diễn biến khí hậu trong năm: Lập Xuân, Xuân Phân, Lập Hạ, Hạ Chí, Lập Thu, Thu Phân, Lập Đông, và Đông Chí. Thực ra các nhà làm lịch còn định hình 16 tiết nữa, rải đều mỗi tháng 2 tiết. Từ lâu dân gian dựa vào đây mà phân bổ sức lực cho mùa màng được thuận theo tiết khí. Tiết Đông Chí là tiết giữa Đông, gần như không ăn nhập gì với thời vụ nhưng lại được người xưa xem trọng trong ứng xử thường niên bởi phong tục, tập quán.
Tiết Đông Chí hằng năm rơi vào 22.12 Dương lịch, sai số có thể trước 1 ngày hoặc sau một ngày. Để vận hành suôn sẻ, Dương lịch quy ước cứ 4 năm có một năm nhuận. Năm nhuận đó được thêm 1 ngày thành 366 ngày (nhuận có nghĩa là thừa ra, xen vào). Bố trí ngày nhuận vào tháng Hai thành 29 ngày thay vì 28. Dẫn đến năm nhuận theo Dương lịch, Đông Chí rơi vào 21.12 thay vì 22.12. Sai số ngày gộp lại dẫn đến có trường hợp Đông Chí lại rơi vào ngày 23.12.
Âm lịch Việt Nam đang sử dụng là một loại Âm Dương lịch rất sáng tạo riêng của người Việt. Theo đó phần Âm lịch vận hành theo tuần trăng nhưng có sử dụng phép toán tính tiết khí giống như Dương lịch. Với Âm lịch, ngày Đông Chí là căn cứ thiết yếu để làm lịch. Đông Chí bao giờ cũng rơi vào tháng 11 Âm lịch, người Việt ngày xưa vẫn gọi đây là “tháng Một”, các nhà làm lịch cặn kẽ hơn gọi là “Nguyệt Kiến Tý”. Kiến Tý khởi từ tiết Đại Tuyết khoảng ngày 7.12 Dương lịch cho đến tiết Tiểu Hàn vào ngày 5.1 Dương lịch. Tiết Đông Chí nằm ở quãng giữa, nó kết thúc khi tiết Tiểu Hàn bắt đầu.
Từ ngàn xưa, không gọi theo hệ thống Can Chi, người Việt đã gọi Một, Chạp, Giêng, Hai… là tính thứ tự 12 tháng âm của một năm từ tháng Một đến tháng Mười. Ngày Đông Chí năm này tính đến Đông Chí năm sau, nếu xác định có 13 tháng thì năm đó nhuận. Lịch Âm nhuận tháng, còn lịch Dương nhuận ngày.
Đông Chí đến, chỉ qua tháng Chạp nữa là đến tết Nguyên đán. Người Việt ăn Tết, ông bà đã quá vãng cũng ăn Tết, nên cháu con phải thăm và sửa sang mồ mả trong tháng Chạp, tục xưa gọi nghi thức này là Chạp mả. Đại Nam quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của bản in năm 1895 có cắt nghĩa: Chạp mả là “làm lễ cúng khi tảo mộ” - có nghĩa quét dọn mồ mả cho sạch sẽ. Riêng với đồng bào Bình Định thì diễn đạt rất gọn ghẽ theo tính cách dứt khoát kín đáo bộc lộ trong ngôn ngữ là “giẫy mả”.
Tảo mộ đón Tết. Ảnh tư liệu của P.T.N
Người Việt không khư khư học theo y khuôn những phát kiến của người Hoa là có lý do. Cứ theo dấu vết văn hóa mà Hoa kiều ở Việt Nam bộc lộ sẽ thấy, người Hoa định cư ở vùng phía Nam sông Dương Tử như Quảng Đông, Hải Nam… có tập quán cúng tảo mộ vào ngày Đông Chí. Nhưng cộng đồng Hoa kiều các bang ở phía Bắc như Phúc Kiến thì chọn ngày Thanh Minh để tảo mộ, vì lẽ tại tiết Đông Chí ở Phúc Kiến vẫn còn băng giá rét mướt.
Người Việt không định ra một ngày như Thanh Minh hay Đông Chí, mà mỗi họ tộc thường sẽ chọn ngày nào trong tháng Chạp phù hợp điều kiện thực tế của mình làm ngày cúng tảo mộ cho họ tộc. Ở Bình Định có họ tộc để đến ra Giêng mới tảo mộ, nhưng xu hướng gần đây hầu hết đã chuyển dần sang tháng Chạp.
Với người Việt, tảo mộ là dịp con cháu tập trung thăm nom, sửa dọn phần mộ tổ tiên để đón Tết, đây được xem là dịp để biết rõ phần mộ ông bà, biết rõ mối liên hệ bà con dòng tộc. Nhân ngày giẫy mả các bậc cao niên trong họ thường nói cho cháu con biết rõ nguồn gốc tổ tiên, dòng tộc, theo đó lứa thanh niên tường tận mối quan hệ huyết thống, biết họ biết hàng để liệu ứng xử cho đúng phép. Cúng tảo mộ, tất cả quây quần bên nhau để cùng chia sẻ chuyện làm ăn, chuyện họ tộc trong năm qua, tạo hòa khí, thắt chặt tình huyết thống. Vì thế giẫy mả là một nét văn hóa quý giá, nó giúp người Việt thêm đoàn kết, yêu thương nhau.
PHAN TRƯỜNG NGHỊ